Nghiệt ngã tìm con ở xóm “hiếm muộn” giữa Sài Gòn

Chị Hạnh ở Hà Nội vào Từ Dũ, TPHCM chữa vô sinh. Số lần chị đặt phôi rồi thụ tinh trong ống nghiệm chẳng ai nhớ nổi, vì nhiều quá. Còn gia đình đã phải cầm cố căn nhà đang ở...

Sửng sốt trẻ học cấp 1 đi khám... vô sinh

Gọi là xóm trọ hiếm muộn vì ở đây tập hợp những phụ nữ từ khắp nơi đến thuê trọ để chữa vô sinh. Xóm trọ hiếm muộn nằm sát bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) sau cơn mưa chiều tầm tã, những người phụ nữ đơn độc ngồi quần tụ với nhau thêu tranh.

Chị Tuyết (30 tuổi), từ Lai Châu một mình khăn gói vào Bệnh viện Từ Dũ từ tháng 6 năm ngoái để "tìm con". Chị Tuyết lấy chồng được 5 năm không có con, sau thời gian chạy chữa từ Đông y đến Tây y khu vực phía Bắc không có kết quả, chị đánh liều vào Bệnh viện Từ Dũ.

Các bác sĩ chẩn đoán chị bị thiếu hóc môn estrogen trong tiết tố nữ khiến chị không có kinh nguyệt. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc chị không thể mang thai. Chị Tuyết quyết định ở lại Sài Gòn tìm con bằng phương pháp cấy phôi. Do đặc thù công việc nên chồng chị tranh thủ vào lấy phôi rồi lại phải về công tác.

Nghiệt ngã tìm con ở xóm “hiếm muộn” giữa Sài Gòn ảnh 1

Sự đồng cảnh ngộ đã kéo các chị xích lại gần nhau hơn trong xóm trọ.

Một mình chị thuê phòng trọ chờ kết quả. Khắc khoải chờ đợi 14 ngày sau cấy phôi, cuối cùng hy vọng vụt tắt khi bác sĩ thông báo không thành công. Chị khóc rất nhiều, chị tuyệt vọng muốn quay về quê, để mặc cho số phận. Những người cùng cảnh ngộ khuyên chị, nên thử lần nữa, con đường tìm con vốn không hề dễ dàng.

Quệt nước mắt dặn lòng, chị tiếp tục đặt phôi lần nữa. Chị chờ đợi từng ngày trong niềm hy vọng và sợ hãi. Lần thứ hai lại thất bại, chị quyết định bỏ cuộc. Hôm đang chuẩn bị gói gém quần áo để về thì chị nghe tiếng kêu trở dạ của người phụ nữ giường bên. Các chị xầm xì bàn tán, người mẹ này đã đặt phôi đến lần thứ 8 mới đậu được. Thế là, chị Tuyết lặng lẽ ở lại, từ bỏ ý định quay về.

Hạnh phúc đã đến với người phụ nữ hiếm muộn này, trong lần đặt phôi thứ 3, chị đã thành công. Chị sung sướng đến quên ăn quên ngủ. Chị em trong khu trọ đến chúc mừng, chị cảm giác như mình đang sống trên thiên đường. Chồng chị ngoài Bắc tức tốc bay vào, chia sẻ hạnh phúc với vợ được đúng một ngày anh lại phải bay ra. Từ ngày mang thai, chị Tuyết xin nghỉ hẳn nghề giáo viên.

5 tháng mang thai là ngần ấy thời gian chị Tuyết cảm nhận sự sống tuyệt vời nhất, con gái trong bụng đã đến thời kỳ quẫy đạp, dường như niềm hạnh phúc với thiên chức đã lấn át tất cả. Mỗi ngày, chị ra ngoài cửa cặm cụi thêu bức tranh làng quê, có ngôi nhà và những đứa trẻ nô đùa trên đường làng.

Phòng chị Tuyết thuê với giá 6 triệu đồng/tháng gồm hai giường đôi. Một mình chị ở không hết, chị đang kiếm thêm một người nữa để san sẻ bớt chi phí. Các chị trong khu trọ đều từ khắp nơi, chủ yếu ở miền Trung và miền Bắc, điều đặc biệt là họ rất hòa thuận, chia sớt với nhau từng miếng canh, bát cháo.

Tất cả các chị đều một thân một mình, không có chồng bên cạnh, cũng không có bất cứ một người thân nào. Khát vọng về một đứa con là khát vọng duy nhất khiến họ quên đi cảm giác cô đơn, lẻ loi giữa thành phố đông đúc, xô bồ.

Khác với vẻ hoan hỷ, tươi cười của chị Tuyết, chị Thu An (42 tuổi, quê Thái Bình) mặt buồn xo ngồi gặm nhấm những đường chỉ thêu. Chị An thêu bức tranh Quan Thế Âm Bồ Tát, và bảo tin vào phép mầu kỳ diệu ở chốn tâm linh. Chị An "đóng đô" ở xóm trọ này được hơn 2 năm, ngốn không biết bao nhiêu tiền của.

Hai năm, chồng chị mới vào thăm vợ được một lần, vì ở quê ruộng vườn không có ai chăm sóc. Chị An bị tắc ống dẫn trứng, cũng dùng đến phương pháp đặt phôi nhưng mãi mà chưa thành công. 22 năm qua, cả dòng họ nhà chị mòn mỏi chờ mong một đứa cháu, bố mẹ chồng nản quá nhiều lần nặng lời với chị.

Áp lực con cái đè nặng trên vai, chị nuốt nước mắt nói với chồng: "Anh ở nhà lo kinh tế, để em một mình đi tìm con, khi nào tìm được em mới quay trở về". Chị An ra đi, mang theo nỗi đau nặng nhọc, cả tinh thần lẫn thể xác. Bao nhiêu lần hy vọng rồi lại thất vọng khi cầm kết quả trên tay, nước mắt đã cạn khô, khóe mắt đã chai vù.

Dù vậy, chị chưa bao giờ nghĩ sẽ quay trở về tay không, lời hứa với chồng, với gia đình chồng là danh dự và trách nhiệm thiêng liêng của một người vợ, người mẹ.

Thời gian chờ tiêm thuốc, chị An nhận đi chợ nấu ăn cho các chị đang nằm cữ ở xóm trọ, chị kiếm được vài trăm ngàn một tháng phụ vào tiền thuê giường nằm. Chị bảo, làm việc cho đỡ buồn và cũng để quên đi lo lắng.

Nghiệt ngã tìm con ở xóm “hiếm muộn” giữa Sài Gòn ảnh 2

Mỗi chiếc nồi cơm điện là một bà mẹ vật vã đi tìm con.

Hành trình nhiệt ngã tìm con bạc tỷ

Ở dãy trọ bên cạnh, thấy bếp núc có vẻ rôm rả hơn khi có bóng dáng người đàn ông. Anh Nguyễn Đắc Nam (35 tuổi, quê Phú Yên) ngồi xổm rửa rau, kế bên là nồi cháo sôi trào vung. Bên trong bức mành, chị Lê Thị Yến, vợ anh đang nằm đọc kinh Phật. Chị Yến mới cấy phôi được hai ngày nên phải nằm im một chỗ, tránh đi lại, làm việc.

Mới vào Sài Gòn lạ đường đi lối lại, anh Nam ngơ ngơ, lại tất bật chạy đi mua đồ dùng phụ nữ cho vợ, anh ngại tím hết cả mặt. Nhìn dáng ngư phủ của anh, và nhìn vẻ mặn mòi nảy nở của chị, không ai nghĩ họ rơi vào tình cảnh "khát con" đến thế. Ba năm sau ngày cưới, chữa Đông - Tây y kết hợp vẫn không có tin vui.

Bác sĩ khám, bảo lỗi do người chồng. Từ ngày biết "lỗi" thuộc về mình, anh thương vợ nhiều hơn, cha mẹ cũng không còn nói con dâu không biết đẻ nữa. Cha mẹ tuyên bố: "Hai vợ chồng cứ yên tâm chữa đẻ, hết bao nhiêu ba mẹ cũng lo được, kể cả phải bán nhà để có cháu cũng sẵn lòng".

Ở quê, chị Yến làm nghề buôn cá, còn anh Nam đi biển. Từ ngày vào Nam chữa vô sinh, mọi công việc đều phải gác lại. Anh Nam sáng đi chợ, trưa nấu ăn, tối lại đi chợ. Nhìn người đàn ông quanh năm bám biển nay vụng về làm anh nuôi, nhiều chị em vừa buồn cười vừa thương.

Trách nhiệm phải có con nối dõi tông đường như hòn đá đè lên đầu hai vợ chồng anh Nam. Chính tâm lý nặng nề ấy đã gián tiếp làm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai của vợ anh. Bác sĩ khuyên hai vợ chồng phải sống thoải mái, vô tư, không lo nghĩ thì mới mong kết quả khả quan.

Anh Nam nhăn nhó tâm sự: "Không lo sao được, cả trong mơ vẫn nghĩ đến con, càng nghĩ lại càng lo".

Chi phí thuê giường nằm trong khu trọ hiếm muộn không hề rẻ. Một phòng, hai giường giá từ 6 - 7 triệu/tháng, chưa kể điện nước và phí sinh hoạt. Chủ nhà chỉ cho thuê một phòng, ai tìm được bạn ở ghép thì chia tiền, còn không phải chịu hết. Loại giường đóng khung sắt che mành ở bên ngoài cũng từ 2,5 - 3 triệu/tháng, chị nào có người đi chăm sóc phải rải chiếu nằm dưới đất. Chưa kể một khoản tiền không nhỏ trong quá trình thăm khám, tiêm thuốc, đặt phôi cho đến lúc mang thai.

Chị nào may mắn cấn thai, coi như cái giá phải trả cho một ''đứa con bạc tỷ'' cũng đáng. Như chị An, hơn hai năm rồi chưa một lần mang thai, trong khi ở quê chồng chị đã phải bán đi một mảnh vườn, sắp tới có thể phải bán nốt miếng đất cha mẹ cho. Thì, cái giá quá đắt cho một "mầm sống" còn biệt tăm ở đâu đó trên cõi đời này.

Các chị ở đây đã dẫn ra một ví dụ khiến chúng tôi giật mình. Đó là trường hợp của chị Hạnh ở Hà Nội vào Từ Dũ chữa vô sinh. Số lần chị đặt phôi rồi thụ tinh trong ống nghiệm chẳng ai nhớ nổi, vì nhiều quá. Gia đình đã phải cầm cố căn nhà đang ở. Cuối cùng, chị đã đậu thai, niềm hạnh phúc chưa kịp nở thì bác sĩ phát hiện tim thai rất yếu, khả năng không phát triển.

Quyết không bỏ con, vợ chồng chị Hạnh cầm luôn miếng đất ở thủ đô sang Singapore để cứu con. Ngày chị trở dạ, dù bác sĩ làm hết sức mình nhưng chị vẫn sinh non. Bé gái rất yếu, phải sống trong lồng kính. Hành trình nghiệt ngã đi tìm con của vợ chồng chị Hạnh cho trái ngọt khi đứa trẻ đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm. Ngày họ đưa con về Việt Nam là ngày ngân hàng đến niêm phong nhà đất.

Đến nay, vợ chồng chị Hạnh đang ở nhà thuê đi làm nuôi con gái bạc tỷ, nhưng họ hạnh phúc và chưa bao giờ oán than số phận. Chị An cho biết, thỉnh thoảng chị Hạnh vẫn gọi điện hỏi thăm các chị đang chữa chạy ở đây có tin vui gì chưa. Chị Hạnh luôn động viên, an ủi các chị trên hành trình tìm con đừng bao giờ bỏ cuộc.

Tấm mành mỏng manh che hờ trên chiếc giường chỉ đủ một người nằm, những người phụ nữ bơ phờ, hốc hác như người mất hồn. Ở khu trọ này, rất nhiều phụ nữ đi chữa hiếm muộn, thì số người có tin vui chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không khí u ám, buồn bã ủ dột bao trùm. Không có tiếng cười, chỉ nghe tiếng thủ thỉ từ cuốn kinh cầu nguyện. Họ đều không còn trẻ nữa, mỗi ngày trôi đi là một hy vọng tan theo mây khói, họ đang chạy đua với thời gian trong cuộc trường chinh vĩ đại này.

Theo nhiên cứu dịch tễ lớn nhất và mới nhất do Bộ Y tế thực hiện, tại Việt Nam có 7,7% cặp vợ chồng bị hiếm muộn, tương đương với khoảng một triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn cần khám và điều trị.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, giải pháp nhằm hạn chế hiếm muộn là các cặp vợ chồng cần xem xét chế độ sinh hoạt, việc làm điều độ, tránh căng thẳng quá mức. Có cuộc sống lành mạnh, không sử dụng rượu, bia, thuốc lá quá nhiều. Cần phải hiểu biết về sức khỏe sinh sản để tránh những bệnh lý và những tổn thương dẫn đến vô sinh.

Ngày 14/10/2014 tại TP.HCM, Bộ Y tế ban hành dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ. Dự thảo có hai phương án.

Thứ nhất là quy định ba bệnh viện lớn được thực hiện cho mang thai hộ là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh. Thứ hai là, cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ ở các cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo dự thảo nghị định về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, người mang thai hộ phải là họ hàng thân thích cùng hàng với bên vợ hoặc bên chồng với người nhờ mang thai hộ.

Theo Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.