> Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cho Myanmar
> Mỹ giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á
Các nhà phân tích cho rằng, Washington đang nỗ lực chống lại ảnh hưởng to lớn của Bắc Kinh trong khu vực, nhưng giới chức Mỹ liên tục khẳng định họ muốn bắt tay với Trung Quốc.
Bắc Kinh lo ngại rằng, chính sách trọng tâm châu Á của ông Obama (o bế bạn cũ, kết bạn mới) là một chiến lược được thiết kế để kiềm chế Trung Quốc. Nỗi lo này thể hiện rõ nét nhất qua nhân tố Myanmar.
Một chính phủ dân sự non trẻ gần đây bước ra khỏi quỹ đạo của người hàng xóm lâu đời, nghiêng về phương Tây với nhiều cải cách chính trị và kinh tế.
Trong khi cả Trung Quốc và Mỹ tuyên bố muốn tăng cường hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương, chuyến thăm của vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới Myanmar có thể trở thành thuốc thử để chứng minh điều đó, để hai “ông lớn” có cơ hội giúp Myanmar phát triển.
Năm ngoái, với quyết định ngừng dự án thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư “khủng” trên sông Irawaddy, lần đầu tiên, Myanmar phát đi tín hiệu rời xa người hàng xóm khổng lồ ở phía bắc.
Tuy nhiên, một Myanmar giàu tài nguyên nhưng nghèo nàn, lạc hậu vẫn luôn ở cạnh một thị trường khổng lồ, một “ông lớn” có nhiều lợi ích kinh tế và quân sự quan trọng.
Nguồn dầu khí vẫn chảy về Trung Quốc, trong khi vai trò của Trung Quốc trong việc xây dựng đường ống, đường sá, cảng… sẽ không thay đổi.
Với mối quan hệ gần gũi, lâu đời với Trung Quốc như thế, Myanmar sẽ khó nghiêng hẳn về Mỹ, dù phải mở cửa đón chào Mỹ để được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Myanmar có thể sẽ sử dụng Mỹ để cân bằng và thúc đẩy phát triển kinh tế của mình, thu hút đầu tư Mỹ cũng như đang làm với doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Cả Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để gia tăng ảnh hưởng ở Myanmar nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung, nhưng không bên nào muốn bị lôi vào thế đối đầu.