Ngày 24/8, Ủy ban Tư pháp tiếp tục họp phiên toàn thể, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS).
Tuy nhiên, do luật có phạm vi sửa đổi rộng với 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ một mục và thay đổi kết cấu của Luật THAHS 2010, chính vì vậy ban soạn thảo đề nghị đổi tên gọi thành Luật THAHS (sửa đổi).
Theo tờ trình, dự thảo bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân; việc thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại...
Chính sự thay đổi này cũng làm Uỷ ban thẩm tra thấy băn khoăn lo ngại. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đến tận chiều hôm qua (23/8), Ủy ban mới nhận được hồ sơ chính thức của dự án luật. Trong khi đó, dự án này đã lùi một kỳ họp rồi, đến giờ bỗng dưng bảo không sửa đổi nhỏ nữa mà sửa đổi tổng thể, toàn bộ.
“Cái chúng tôi lo ngại nhất là sau đây đồng chí Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an chuyển lại luật này cho chúng tôi để đi làm án. Đồng chí Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế Bộ Công an cũng nói còn hàng trăm nghị định nữa. Để lại cho chúng tôi luật này với vài chuyên viên, Ủy ban Tư pháp ôm lấy thì có soạn được không?”, bà Nga băn khoăn, đồng thời cho rằng, vấn đề khó nhất hiện nay là việc THAHS đối với pháp nhân thương mại, một vấn đề chúng ta hoàn toàn chưa có thực tiễn.
Đại diện nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cũng cho rằng, thời gian vật chất quá ngắn, kết quả nghiên cứu chưa hoàn thiện và đầy đủ đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chuẩn bị của dự án luật. Về kỹ thuật lập pháp, thậm chí còn hết cả chữ cái, không còn chữ cái để đặt tên điều luật.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề nghị trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh thành Luật THAHS (sửa đổi) và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại ba kỳ họp, có thể bắt đầu trình để cho ý kiến từ kỳ họp thứ 6 tới, hoặc nếu cần thêm thời gian để hoàn thiện dự thảo thì để đến kỳ họp 7 sang năm.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy khi cho ý kiến, lại tỏ ra không hài lòng với lý do đưa ra ba kỳ họp vì luật được chuẩn bị chưa kỹ. Dự án luật phải thông qua ba kỳ hop khi dự thảo luật ấy có nhiều vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, ví như dự án Luật đặc khu, hay Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, chứ không phải vì lý do chuẩn bị chưa kỹ.
“Nếu dự án luật chuẩn bị chưa kỹ thì không nên trình ra Quốc hội. Đừng bắt đại biểu Quốc hội phải thảo luận về một dự án luật như vậy. Nếu chưa kỹ thì anh mang về chuẩn bị lại cho kỹ đi, để ra Quốc hội khỏi mất thời gian, để Quốc được tiếp cận với một dự án luật có chất lượng tốt hơn, để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí”, bà Thủy nêu quan điểm.
Theo bà Thủy, nếu dự án luật rất phức tạp, phạm vi tác động rộng, có nhiều ý kiến khác nhau chưa thể thống nhất được thì chúng ta mới đề nghị TVQH và QH xem xét tại ba kỳ họp. Còn nếu vì chuẩn bị chưa kỹ, chưa đến nơi đến chốn thì đề nghị mang về để làm tiếp.