Lặng lẽ về... chốn cũ
Dự án Khu liên cơ là công trình trọng điểm của UBND thành phố Hà Nội, xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước. Quy mô dự án gồm 3 khối nhà, cao lần lượt 27, 16, và 7 tầng, xây dựng trên khu đất 7.270m2. Tổng mức đầu tư hơn 1.022 tỷ đồng.
Năm 2017, UBND thành phố Hà Nội liên tục “ép tiến độ” hoàn thiện tòa nhà để Khu liên cơ sớm đi vào hoạt động. Sau nhiều lần lùi thời hạn, đến giữa năm 2020, 8 sở, ngành mới chuyển về đây để làm việc.
Tuy nhiên chỉ trong thời gian rất ngắn, đến nay một số sở, ngành đã lặng lẽ về “không kèn, không trống”. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lẽ ra là sở cuối cùng chuyển về Khu liên cơ nhưng đến phút cuối lại dừng, hiện đơn vị này đã sửa sang trụ sở cũ để ở lại.
Sở Quy hoạch & Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội chuyển lên Khu liên cơ được vài tháng, cũng quyết định dọn dẹp “khăn gói quả mướp” trở về trụ sở cũ và có báo cáo gửi Sở Xây dựng Hà Nội rằng: “Đã di chuyển các bộ phận chuyên môn và hoạt động ổn định tại số 31B Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm). Theo báo cáo của sở này thì “để tránh lãng phí diện tích làm việc tại Khu liên cơ, Sở QH&KT đề nghị Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội xem xét chấp nhận cho Sở QH&KT được tiếp tục sử dụng trụ sở chính tại 31B Tràng Thi...”.
Bất cập đã được dự báo
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Khu liên cơ này được đột ngột hình thành trên cơ sở một dự án khác, đó là chuyển đổi công năng từ dự án xây dựng Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội.
Chính vì sai đầu bài do cách làm chắp vá, “hoán cải” nên khi đi vào vận hành cả trong tòa nhà và các dịch vụ kèm theo đều bộc lộ nhiều vướng mắc.
Hiện tại, diện tích khu đỗ xe quá nhỏ không đủ để phục vụ cán bộ công chức chứ chưa nói đến gần 1.000 người đến làm việc mỗi ngày. Tại Khu liên cơ, không những người dân phải gửi xe mất tiền ở các bãi ngoài mà nhiều lúc thiếu chỗ còn phải đỗ tràn ra lòng đường.
Theo phản ánh của các đơn vị làm việc tại đây, Khu liên cơ thiếu các khu chức năng như: Phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng họp... để bố trí cho các hoạt động tập thể của sở, ngành. “Hiện chỉ có phòng họp chung, phải đăng ký qua ban quản lý tòa nhà, nhưng rất khó bởi nhiều lịch trùng, lịch đột xuất không bố trí được, mất tính chủ động công việc”, một cán bộ ở Khu liên cơ nói.
Một số sở ngành hiện phải “gồng” chi thêm một số chi phí như: Chi phí bảo vệ, điện nước, quản lý tòa nhà...
Được biết, ngay từ thời điểm trước khi bàn giao, Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã chỉ ra hàng loạt sai sót tại công trình. Dù chủ đầu tư đã sửa chữa nhưng chưa triệt để.
Sở, ngành xin về đường “tiểu ngạch”
Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, nhiều sở, ngành đang xin rút khỏi Khu liên cơ để về trụ sở cũ. Hiện nay Thành phố đang xem xét để sắp xếp số lượng cán bộ các sở cho phù hợp. “Ðáng nói, nhiều sở ngành báo cáo về nơi làm việc thì rất tốt nhưng vẫn xin về chỗ làm cũ theo kiểu “tiểu ngạch”, lãnh đạo thành phố cho hay.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngay từ năm 2012, tại Báo cáo kết quả thẩm định dự án số 967/BC-KH&ĐT ngày 25/10/2012, Bộ KH&ĐT nêu: “Dự án chưa có luận chứng, đánh giá được cụ thể số lượng cán bộ, nhân viên làm việc tại trung tâm, số lượng khách đến giao dịch thường xuyên để xác định nhu cầu diện tích làm việc. Vì vậy trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, đề nghị chủ đầu tư yêu cầu đơn vị tư vấn cần nghiên cứu tính toán thiết kế đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và định mức hiện hành, không để xảy ra lãng phí vốn và tài sản của nhà nước”. Tuy nhiên, khi các đơn vị tổ chức lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công cũng không đề cập hoặc thuyết minh giải trình về nội dung trên.