Nghĩa vụ với người nghèo

TP - Mới đây, một vị đại biểu Quốc hội phát biểu “gây sốc” giới luật sư, rằng “luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền”. Vị này sau đó giải thích: Tôi không nói luật sư bào chữa vì tiền, mà nói bào chữa cho người có tiền. Nói thế có gì mà sai, chả hóa ra luật sư sống bằng khí trời và nước lã à?
Nghĩa vụ với người nghèo ảnh 1

Luật sư tác nghiệp tại tòa. Ảnh minh họa

Vâng, nói vậy quả là chuẩn không cần chỉnh. Trong xã hội ta, chẳng ai là người không có tiền. Bị can, bị cáo, đương sự, họ đều có tiền. Chỉ có điều, có người nhiều tiền, có người ít tiền, có người ăn không hết, có kẻ lần chẳng ra.

Điều đáng bàn, cần bàn, là chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo đang được thực hiện thế nào.

Nghĩa vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công, người không có khả năng tự bảo vệ/ bào chữa… không thuộc về riêng luật sư. Theo Luật Trợ giúp pháp lý, những ai có bằng cử nhân luật đều có thể tham gia, theo dạng cộng tác viên các Trung tâm Trợ giúp pháp lý (vị đại biểu Quốc hội có phát ngôn nêu trên hoàn toàn có thể trợ giúp pháp lý cho người nghèo nếu muốn, bởi ông có bằng tiến sỹ luật).

Nhân nói đến đại biểu Quốc hội, người viết bài này có quen biết hai vị. Cả hai đều từng trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Người thứ nhất là bà Trương Thị Mai (hiện công tác tại Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội). Bà Mai đã bênh vực, tham gia giải oan cho thầy giáo nghèo Nguyễn Minh Hoàng ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.

Người thứ hai là ông Nguyễn Minh Thuyết (hiện đã nghỉ hưu). Ông Thuyết đã tham gia bênh vực, bảo vệ anh nông dân nghèo Nguyễn Văn Tuất ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương (anh Tuất làm chứng trong một vụ án hình sự, vì nói ra sự thật nên bị đe dọa bắt giam). Bà Mai, ông Thuyết làm những việc đó theo những cách thiết thực mà không ồn ào, không gắn với những phát biểu gây sốc.

Trợ giúp pháp lý cho người nghèo không chỉ là nghĩa vụ của luật sư, nhà báo, đại biểu Quốc hội, mà là nghĩa vụ chung của toàn xã hội, có thế mới xây dựng được xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Với giới luật sư, nghĩa vụ trợ giúp pháp lý đã được quy định trong Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức luật sư. Từ năm 2013, ngày 10/10 hằng năm được gọi là “Ngày Luật sư Việt Nam”; giới luật sư trên toàn quốc đã và đang kỷ niệm ngày này bằng các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đông đảo người dân nơi họ tham gia tổ chức hành nghề.

Phổ biến, giáo dục pháp luật trên thông tin đại chúng cũng là hình thức trợ giúp pháp lý hữu hiệu. Trong việc này, dễ thấy các luật sư đang làm tốt. Khi các nhà báo phỏng vấn, hầu hết luật sư nhận lời, trong khi cán bộ tiến hành tố tụng thường né tránh dù câu hỏi chỉ thuần túy chuyên môn không liên quan bí mật nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thực tiễn xã hội đòi hỏi các luật sư phải làm tốt hơn nữa trợ giúp pháp lý. Một cán bộ Trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước (nơi thường xuyên có đông người dân) cho biết, đến đây phần lớn là người nghèo, có cả diện chính sách. Việc họ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, có một phần nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng viết đơn và thu thập tài liệu, chứng cứ… Vị cán bộ nhận xét, giá như có luật sư tư vấn cho họ, kết quả giải quyết khiếu nại sẽ tốt hơn rất nhiều.

Sinh viên, học viên trường luật và học viện tư pháp phải tham gia đội ngũ “áo xanh tình nguyện”, trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Để vinh danh hãng luật và cá nhân luật sư, không thể bỏ qua công tác trợ giúp pháp lý. Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố cần có ủy ban chuyên trách trợ giúp pháp lý, giúp công việc này được thường xuyên và hiệu quả hơn… đó là ý kiến một số luật sư người viết bài này thu thập được. Dễ thấy đó là những phát biểu thiết thực mà không “gây sốc” cho một ai.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.