Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam phát triển Hải Phòng
Ngày 2/8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, từ kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 năm 2003, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết 45 (năm 2019) về việc “Xây dựng và phát triển Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045”.
Nghị quyết 45 ra đời là kim chỉ nam, đã bổ sung các cơ chế, chính sách thuận lợi, mạnh mẽ hơn, thực hiện mục tiêu Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ.
Toàn cảnh hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao.
Những kết quả bước đầu đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, định hướng của Nghị quyết 45 và thực sự đã đi vào cuộc sống nhân dân.
Ông Lê Tiến Châu thẳng thắn nhận định trong quá trình triển khai Nghị quyết 45 còn nhiều khó khăn, thách thức, có những khó khăn nội tại và cơ chế chung.
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng. |
Bí thư Thành ủy Hải Phòng mong muốn nhận thêm nhiều ý kiến, giải pháp từ các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia để thành phố nghiên cứu, đề xuất Trung ương tạo điều kiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đã giao. Đặc biệt, về các giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phát.
Cụ thể, sớm thành lập và triển khai đầu tư Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù, trọng tâm thí điểm mô hình Khu thương mại tự do; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân lực chất lượng cao; giải pháp đột phá hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ hiện đại trong cả 5 loại hình giao thông…
Nhiều góp ý để xây dựng, phát triển thành phố Cảng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 45, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn.
Vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của thành phố Hải Phòng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định. Phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. |
Cụ thể, quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng thu ngân sách giai đoạn 2019 - 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có những bước phát triển đột phá.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được quan tâm, nhất là các chính sách vượt trội như: miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các chế độ, chính sách cho người có công, người có hoàn cảnh khó khăn đều thuộc nhóm cao của cả nước...
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay Bộ đã chủ trì, phối hợp với Hải Phòng và các bộ, ngành liên quan xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua ban hành Nghị quyết số 35 (năm 2021) về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng" đối với 3 lĩnh vực: quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho Hải Phòng chưa được ban hành, Bộ KH&ĐT nhận thức rõ, để tạo động lực cho Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng vị trí cần có các cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo đột phá, xứng đáng là thành phố cảng, có nền công nghiệp hiện đại là trọng điểm về kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc.
Các đại biểu, chuyên gia tham gia góp ý để Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển, xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. |
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia đều có chung nhận định, Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trong giai đoạn tới, trọng tâm là cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu đề xuất nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng cơ chế, chính sách như: Bộ KH&ĐT phối hợp với Hải Phòng sơ kết 3 năm Nghị quyết số số 35 của Quốc hội; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách khác để đề xuất Quốc hội bổ sung, sửa đổi hoặc áp dụng chung cho cả nước...