Nghỉ lễ dài ngày: Sinh viên tất tả làm thêm tăng thu nhập

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tuy thời gian nghỉ lễ năm nay dài nhưng nhiều sinh viên đã lựa chọn ở lại Hà Nội để làm thêm hoặc “cày” kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi hết học phần sắp tới.

Nghỉ lễ mỗi sinh viên sẽ có một lựa chọn cho riêng mình. Trong đó, phần lớn lựa chọn về với gia đình hoặc đi phượt. Nhưng cũng có nhiều em sẽ ở lại thành phố lớn để tận dụng cơ hội tăng thêm thu nhập, giảm gánh nặng chi phí cho gia đình. Bên cạnh đó, cũng có sinh viên lên kế hoạch ôn tập để chuẩn bị cho mùa thi sắp tới.

'Cày' thêm để tăng thu nhập

Phan Thị Yến, sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học (ĐH) Văn hóa Hà Nội đang tranh thủ những ngày nghỉ làm thêm để có thêm chi phí sinh hoạt. Yến cho biết, làm thêm những ngày này được thưởng nên thu nhập cao hơn. Hai ngày nghỉ 30/4 và 1/5, Yến được thưởng 300.000 đồng. Khoản thưởng này giúp em tăng thêm thu nhập của tháng và có nguồn dự trữ cho tháng sau.

Nghỉ lễ dài ngày: Sinh viên tất tả làm thêm tăng thu nhập ảnh 1

Phan Thị Yến với công việc thu ngân làm thêm buổi tối tại quán cà phê

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thời gian lên Hà Nội học ĐH cũng bằng thời gian Yến đi làm thêm. Do phụ thuộc vào lịch học và sắp xếp thời gian biểu, Yến cũng phải thay đổi công việc liên tục để phù hợp nên mỗi công việc có một mức lương khác nhau.

Em cho biết, tháng thu nhập cao nhất được 6 triệu đồng nếu làm đủ 8 tiếng/ngày. Còn lại trung bình hằng tháng em có thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Chưa kể đến những tháng thất nghiệp và những tháng lương thấp hơn.

Chia sẻ thêm, Yến cho biết em đang ở thuê nhà ở cùng chị gái đã ra trường đi làm. Do vậy, hai chị em Yến gần như không muốn bố dượng và mẹ phụ cấp gì thêm nên hai chị em tương trợ nhau vừa học vừa ổn định cuộc sống.

“Tính gộp cả lương của chị gái và em lại thì tháng nào đủ tháng đó và dư cho tháng sau một chút để phòng trường hợp 1 trong 2 chị em thất nghiệp. Chi tiêu hằng tháng sẽ có tiền phòng mà dạo này giá phòng Hà Nội tăng nhanh quá cũng hơi khó khăn. Cùng với chi phí sinh hoạt thì mỗi tháng 2 chị em cần khoảng 5 triệu đồng cùng với khoảng 3 triệu đồng tiêu các khoản khác”, Yến tính toán.

Em cũng cho biết, thi thoảng mẹ có hỗ trợ vài trăm nghìn để động viên.Với Yến đi làm vừa tích lũy được rất nhiều kỹ năng, kiến thức và lại có thêm phần trang trải cuộc sống nên em luôn bằng lòng với những gì hiện có.

Vừa tránh tắc đường lại đỡ gánh nặng kinh tế

Nhiều sinh viên khác tâm sự, nghĩ đến cảnh tắc đường vật vã khi về quê, rồi cảnh chen chúc đông nghịt người tại các điểm tàu xe, bến bãi vì quá tải mà phát sợ. Thế nên, thay vì về quê dịp này, các bạn ở lại thành phố tranh thủ làm tăng ca, lương cao hơn lại đỡ mệt mỏi vì đi lại.

Nguyễn Tiến Minh, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Thương mại chia sẻ, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nơi làm thêm thường trả lương cao gấp 4 lần so với ngày thường nên Minh làm ca ngày 8 tiếng cũng được khoảng 800.000 đồng. Nếu làm cả ca đêm thu nhập được hơn 1 triệu đồng. "Năng nhặt chặt bị, làm một ngày lễ bằng 4 ngày thường nên em không về quê, ở lại làm để có thêm nguồn thu nhập. Biết em không về, bố mẹ em cũng có chút tâm tư. Nhưng sau khi em hứa cuối tuần thứ 7, Chủ nhật này sẽ về thăm nhà thì bố mẹ em đã vui vẻ hơn", Tiến Minh chia sẻ.

Trong khi đó, tuy không bị áp lực về tài chính khi học Đại học nhưng Trần Văn Dũng, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải lại rất thích công việc đang làm thêm tại một trung tâm thương mại ở quận Hà Đông. Học về logistics nên được làm thêm đúng ngành nên Dũng thấy rất hứng thú. Dịp nghỉ lễ cũng là thời gian áp lực công việc tăng cao, Dũng cũng rất muốn được trải nghiệm cảm giác này nên đã không về quê trong 5 ngày nghỉ.

Đang là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Đặng Quyết Tiến cũng lựa chọn ở lại Hà Nội, không về quê với gia đình trong 5 ngày nghỉ lễ này. Hoàn cảnh gia đình Tiến cũng rất khó khăn tại một huyện miền núi của Tuyên Quang.

Dù học phí được giảm tới 70% vì thuộc diện chương trình 135 của Chính phủ nhưng ngay khi nhập học tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Tiến đã tìm công việc làm thêm. Em lựa chọn làm gia sư. Thời gian qua, gần như tuần nào em cũng kín lịch. Nhưng kết thúc học kỳ I, nhìn bảng điểm, Tiến nhận thấy cần phải tập trung vào việc học hơn. Do vậy, thời gian này em đã giảm tần suất dạy thêm và tranh thủ những ngày nghỉ cày lại kiến thức để chuẩn bị đợt thi hết học phần sắp tới.

Điều Tiến lo lắng là có thể từ năm học sau, nơi em ở không còn nằm trong chương trình 135 nữa, với nhiều người đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng với em, việc phải chi trả 100% học phí sẽ rất khó khăn. Vì gần như để học ĐH, Tiến phải hoàn toàn tự lực cánh sinh, không có sự hỗ trợ của gia đình.

MỚI - NÓNG