> Xôn xao tin trúng 35 cây vàng
Người dân đào đãi vàng trái phép, nhưng vẫn nghèo. |
64,5% hộ nghèo
Thị trấn phố núi Khâm Đức nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, từ sáng sớm từng đoàn công nhân thuộc Cty vàng Phước Sơn ngồi bên đường chờ xe đón vào nhà máy. Thị trấn Khâm Đức khá khang trang kể từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua trung tâm huyện. Tuy nhiên, ẩn sau đó vẫn là sự nghèo đến nhức buốt.
Theo chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn, ông Hoàng Hoa: Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2011 là 64,5%, tỷ lệ thoát nghèo chỉ xấp xỉ đạt 4%. Trong khi đó, Phước Sơn lại là một trong 5 huyện thu vượt ngân sách của tỉnh Quảng Nam.
Tổng thu ngân sách của Phước Sơn năm 2011 hơn 393 tỷ đồng, trong đó thu phát sinh kinh tế hơn 161 tỷ đồng. Riêng Cty vàng Phước Sơn nộp ngân sách cho tỉnh là 150 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 15 công ty, đơn vị được cấp phép khai thác vàng, nhiều thủy điện đã và đang được xây dựng, trong đó thủy điện Đăk Mi 4 đã đi vào hoạt động từ tháng 1-2012. Nguồn lợi từ vàng và các loại khoáng sản, thủy điện hằng năm nộp ngân sách về tỉnh rồi từ tỉnh phân bổ về huyện.
Trong khi các chương trình của Chính phủ như 30a, chương trình 134, 167 không giúp người dân địa phương thoát nghèo vì nhiều bất cập trong chính sách.
“Từ khi các công ty khai thác vàng hoạt động, trật tự khai thác vàng ở Phước Sơn đã ổn định. Tuy nhiên, cái lợi chung thì có, nhưng cái mất mát cho địa phương cũng nhiều. An ninh trật tự, tài nguyên môi trường bị tàn phá ô nhiễm địa phương phải gánh. Còn người dân nghèo thì vẫn quá nghèo”, ông Hoa nói.
Câu chuyện thoát nghèo ở đất vàng Phước Sơn đang rơi vào luẩn quẩn. Các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Phước Kim (88%), Phước Thành (84,5%), Phước Lộc (84%), Phước Chánh (82%)… Các xã này đều rải rác có các công ty vàng được cấp phép, chưa kể các đơn vị, cá nhân khai thác vàng trái phép.
Ngay như xã Phước Kim nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Phước Sơn có Cty TNHH TMDV Lý Châu Giang khai thác vàng.
Tuy nhiên, theo chính quyền xã, việc hỗ trợ của công ty đối với địa phương không đáng bao nhiêu và dưới hình thức nghĩa vụ là chính. “Vàng được công ty lấy đi, người dân bị cấm khai thác vàng trái phép, nên buộc người dân phải làm chui. Làm đồng nào tiêu đồng đó, dân nghèo vẫn cứ nghèo”, một cán bộ xã Phước Kim cho biết.
Muốn được chia sẻ lợi ích
Năm 2011 nhà máy tuyển luyện vàng Đăk Sa đi vào hoạt động, công suất 120.000 tấn quặng nguyên khai/năm và có khả năng nâng công suất lên 350.000 tấn/năm. Mỗi năm từ quá trình tuyển vàng tại đây hơn 1 tấn vàng ròng được xuất sang Thụy Sĩ.
Mỏ vàng Đăk Sa có hàm lượng vàng cao nhất Việt Nam với trữ lượng trung bình là 10gram trên một tấn quặng. Một nhà máy mới đi vào hoạt động, đồng nghĩa với vàng Phước Sơn tiếp tục được đưa đi nhưng trớ trêu, nguồn thu từ vàng vẫn không giúp người dân Phước Sơn thoát được nghèo.
Theo ông Thanh: “Huyện đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh, lên trung ương có chính sách “chia sẻ lợi ích” từ nguồn thu khoáng sản, nhất là từ vàng.
Nghĩa là xin cơ chế đặc biệt để địa phương có thêm ngân sách, để đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống giúp người dân có điều kiện thoát nghèo. Nhưng kiến nghị mãi vẫn chưa được phê duyệt”.