Nghệ sĩ một đời đam mê flamenco

Nghệ sỹ Cam Sành.
Nghệ sỹ Cam Sành.
TP - Trong ba nghệ sĩ ghi ta flamenco huyền thoại của Sài Gòn là Hoàng Bửu, Trần Văn Phú và Cam Sành, theo thời gian giờ chỉ còn sót lại nghệ sĩ Cam Sành. Nhà ông ở trong con hẻm nhỏ, đã lâu ông không còn tham gia biểu diễn,  nhưng nhiều học trò vẫn tới tìm ông để học thứ âm nhạc Tây Ban Nha được xem là “tinh túy”.

Tôi gặp nghệ sĩ Phan Văn Cam Sành lần đầu tiên cách đây mấy năm, khi ông tới thăm người học trò bán đàn ghi ta ở quận 7. Những người yêu thích dòng nhạc Tây Ban Nha vẫn xem Hoàng Bửu, Văn Phú và Cam Sành là bậc thầy tiêu biểu của âm nhạc flamenco Sài Gòn trước 1975. Khác với hình dung của tôi về một nghệ sĩ lãng tử, nghệ sĩ Cam Sành ăn vận như một thầy giáo, dáng ông cao ráo, ông rất ít nói, chỉ hay cười. Ông không ngại ngần chơi đàn với những người không quen, những người mới học nhạc và giới thiệu những kỹ thuật chơi đàn cho mọi người.

Sau đó, ông đi chiếc xe máy cũ trở về nhà cùng người vợ của mình. Vợ ông nói: “Chồng tôi bệnh tật nhiều. Tôi suốt ngày lo cho ông ấy, chỉ mong chồng tôi sống thọ cùng thứ âm nhạc mà ông ấy yêu quý vì bạn bè của ông đã ra đi hết cả rồi”. Bác Cam Sành bảo: “Tôi mang ơn vợ tôi, không có sự tháo vát của nhà tôi, chắc tôi không thể theo nghiệp chơi đàn”.

Nhưng rồi biến cố xảy ra, người vợ trẻ của ông bị bạo bệnh và qua đời. Cái chết của người vợ trẻ khiến người nhạc sĩ già suy sụp, một cơn tai biến nhẹ đã khiến nửa thân ông bị ảnh hưởng, một chân của ông gần như mất cảm giác. Tai biến đã khiến cuộc đời ông đi vào bước ngoặt khó ngờ. Trước đây, dù rất nổi tiếng, ông vẫn thường đi xe máy đến tận nhà học trò để dạy đàn, không bắt học trò phải vất vả đi xa. Nay thì “trò phải đến nhà thầy dạy cho”.

Những cây đàn quý

Một người học trò của sư phụ Cam Sành kể: “Cuộc sống thầy rất khó khăn nên đôi khi thầy đem bán đi những cây đàn quý của mình để trang trải cuộc sống qua ngày”. Ai cũng biết với người kén đàn và yêu đàn như bác Cam Sành, cây đàn cũng chính là người bạn tri kỷ cả cuộc đời không muốn chia xa.

Theo chân Dũng Classic, học trò của sư phụ Cam Sành, tôi tìm tới nhà của bác Cam Sành trong ngõ nhỏ ở quận 7. Người công an khu vực kể rằng trong khu phố nghèo và chật chội, đường đi chỉ rộng hơn 2m, người ta thường thấy người thầy giáo dạy nhạc già cùng đám trò nhỏ quây quần trong căn nhà vô cùng nhỏ bé, tiếng đàn vang lên giòn giã còn trên tường treo đầy đàn cũ. Nghệ sĩ Cam Sành khá bất ngờ khi thấy người học trò cưng tới biếu gạo, ông cũng giới thiệu với tôi những cây đàn treo trên tường, chúng đều rất cũ kỹ.  Ông kể: “Lúc trước tôi khỏe, học trò nằm viện, chính tôi là người vào chăm, mua máy đo huyết áp cho trò. Giờ tôi ốm, trò lại thăm, cũng chỉ mình tôi ở nhà”. Vợ ông qua đời, ông sống với người mẹ vợ già. Căn nhà bề ngang chừng ba mét và chiếc xe máy cũ đặt giữa nhà, chiếm hết lối đi, xung quanh là những bản nhạc, những chiếc đàn bề bộn.

Nghệ sĩ Cam Sành cho học trò xem cái chân trái của ông, hầu như tím bầm, tê liệt vì máu không lưu thông được. Người học trò rơm rớm nước mắt, thì ông thầy lại bảo: “Không sao cả, thầy vẫn chơi đàn được, để ngồi nghỉ ngơi rồi thầy đánh đàn cho nghe, bài này thầy mới viết rất hay”.  Lát sau, đầy nhà vang tiếng đàn ghi ta, bản nhạc flamenco được sư phụ Cam Sành soạn với những kỹ thuật tiêu biểu của dòng nhạc dân gian Tây Ban Nha cuốn hút người nghe, hai mái đầu thầy trò cùng chụm lại trước trang giấy nhạc mà chân người thầy bầm tím thẳng đơ không co duỗi được nhưng ngón đàn còn lả lướt trên những sợi dây.

Hai thầy trò cũng nói chuyện với nhau về những cây đàn Tây Ban Nha. Nghệ sĩ Cam Sành bảo: “Thỉnh thoảng, các anh Việt kiều cũng ghé thăm thầy. Mới rồi có người để lại cho thầy một cây đàn quý mang về từ Úc, thầy chỉ tiếc là mình còn sức mà chơi đàn được bao lâu nữa đây?”.

Cả đời chỉ chơi flamenco

Nghệ sĩ Phan Văn Cam Sành kể: “Lúc nhỏ tôi đã thích nhạc flamenco và đời tôi chỉ chơi nhạc flamenco. Ban đầu việc tìm được thầy, tìm bản nhạc mà học cũng đã rất khó rồi. Xứ mình, người ta thích nhạc Bolero và thích nhạc Mỹ nhiều hơn. Tôi còn nhớ những ngày đi học đàn thời ấy, thường chơi bằng cây đàn có gắn sợi dây bằng ruột con thú. Sợi dây đàn đắt đỏ, tiếng đàn rất hay, thầy trò thương yêu nhau, cả ngày mê đắm trong âm nhạc”. Nhạc Tây Ban Nha không phổ biến ở Việt Nam, tài liệu rất hiếm, ông thường mượn bản nhạc của bạn bè về chép lại để tập, sưu tầm các đĩa nhạc Tây Ban Nha, nghe thật kỹ rồi ký âm ra giấy để tập. “Flamenco là âm nhạc kết hợp với vũ điệu, người ta chơi nhạc này và có thể nhảy múa suốt ngày đêm với cây ghi ta. Trong âm nhạc flamenco có hòa âm của nhạc cổ điển cộng với những giai điệu rất rộn rã của âm nhạc dân gian Tây Ban Nha” - Nghệ sỹ Cam Sành nhận xét.

 Những học trò của sư phụ Cam Sành thường được ông dạy cách chơi đàn sao cho “có lửa”, “Tiếng đàn phải tạo ra lửa, tiếng đàn phải thắp lên lửa trong tim người nghe”. Ông bảo: “Tôi vẫn đề cao thứ âm nhạc flamenco tinh túy, là thứ âm nhạc không dựa nhiều vào điện tử, không sử dụng các miếng gảy và được chơi bằng các ngón tay của người nghệ sĩ, không phải âm thanh điện tử mà chính âm thanh thật của cây đàn ghi ta đem lại sự phấn khích cho người nghe”. Học trò của ông đều được dạy cách chơi đàn không dùng miếng gảy mà vẫn phát ra những âm thanh vang giòn như thể tiếng trống Tây Ban Nha vậy. 

Âm thầm sáng tác

Người nghệ sĩ kỳ cựu chơi nhạc từ trước 1975 cho chúng tôi xem những trang viết tay chi chít nốt nhạc của ông: “Tôi soạn hơn 20 bản nhạc flamenco trong đó tổng hợp những kỹ thuật quan trọng nhất, đưa những giai điệu Việt Nam vào các tác phẩm này, nhưng chưa có nhiều cơ hội để giới thiệu cho khán giả”. Trước đây, câu lạc bộ ghi ta quận Phú Nhuận có tổ chức tụ điểm sinh hoạt nhạc flamenco và đôi khi nghệ sĩ Cam Sành biểu diễn giao lưu. Tụ điểm này đã đóng cửa từ lâu khiến người ta hầu như không còn gặp lại nghệ sĩ Cam Sành nữa. Nhiều người thích bolero, sân khấu dành cho flamenco không có, ông chẳng thể giới thiệu tác phẩm của mình. Đôi khi, ông đưa những tác phẩm ông viết cho học trò tập, như một tài liệu riêng, một thứ kỷ niệm, một chút hoài mong rằng biết đâu tác phẩm của mình sẽ không bị quên lãng.

Nghệ thuật cũng như công phu “tuyệt đỉnh” của nghệ sĩ Cam Sành thể hiện ở chỗ ông có thể chơi nhạc flamenco cả hai tay, điều không có ai làm được ở Việt Nam.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, trước câu hỏi “Nếu nói đến flamenco ở Sài Gòn thì phải nhắc đến ai?”, Nghệ sĩ Dương Kim Dũng, giảng viên nhạc flamenco của Nhạc viện TPHCM  nói: “Những người đầu tiên ở Sài Gòn nghiên cứu về guitar flamenco có thể kể đến 3 nhạc sĩ là: Hoàng Bửu, Cam Sành và Trần Văn Phú. Nhạc sĩ Hoàng Bửu có viết một cuốn sách về Phương pháp tự học độc tấu Tây ban cầm flamenco, còn nhạc sĩ Trần Văn Phú có sách Kỹ thuật reo dây “tremolo” - Tây ban cầm độc tấu. Người tạo được tiếng đàn mang âm hưởng flamenco khá hiệu quả là nhạc sĩ Cam Sành”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.