Bởi đối với Hoàng Cúc, chị thấm thía quá nhiều nỗi niềm trong cuộc sống, hỷ nộ ái ố nếm đủ, những bất trắc của mọi lẽ đời, kể cả căn bệnh ung thư đầy tai quái cũng không thể đánh gục được sự kiên trì của người đàn bà đẹp một thời làm mưa làm gió trên sân khấu, điện ảnh của Việt Nam. Để sau tất cả, một Hoàng Cúc đẹp dịu dàng, một Hoàng Cúc đầy yêu thương đã ở lại với cuộc đời bằng những niềm vui thường nhật trong căn nhà rộng và đẹp: bình yên bên những đứa cháu nội...
Người sinh ra để làm... diễn viên
NSND Hoàng Cúc có năng khiếu ca nhạc nên chị từng được chọn làm diễn viên hát của Đoàn Nghệ thuật Tuyên Quang. Nhưng rồi số phận lại đưa chị đến với nghề diễn viên. Sau khi theo học Khoa Kịch nói, Trường Nghệ thuật Việt Bắc, chị đã về đầu quân cho Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) và vào vai chính hầu hết những vở kịch "nổi" những thập niên 80 - 90 như: "Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh", "Tôi và chúng ta", "Em đẹp dần lên trong mắt anh", "Nghĩ về mình", "Ăn mày dĩ vãng", "Thầy khóa làng tôi", "Mùa hoa sữa"…
Nhiều người ở thế hệ chị vẫn cho rằng, xem Hoàng Cúc diễn, thường gây cho người ta một cảm giác căng thẳng và nặng nề. Nhân vật của chị dù khóc, dù cười, dù dịu dàng, đằm thắm hay dữ dằn, tàn bạo bao giờ cũng như bứt người xem ra khỏi cuộc sống thực tế để hòa vào đời sống của nhân vật.
Hoàng Cúc vẫn còn nhớ một kỷ niệm hồi đi diễn ở miền Nam. Có một cô bé, xem xong vở diễn, chạy lên cánh gà và cứ đứng trân trân nhìn chị mà nước mắt giàn dụa. Chị không hiểu sự tình ra làm sao. Sau đó, bạn của cô bé mới thổ lộ rằng, bạn mình khóc chỉ vì... cô Hoàng Cúc: "Lần trước vào diễn, cô Cúc hiền thục, dễ thương, và là thần tượng trong mắt chúng cháu. Nhưng lần này sao cô lại trở nên… đanh đá đến vậy, độc ác đến vậy. Bạn cháu thấy vừa yêu, vừa tiếc lại vừa sợ cô… nên khóc".
Nghe kể xong sự tình, cả đoàn đã được một trận cười vì sự cảm nhận hồn nhiên của các cô bé. Nhưng bản thân Hoàng Cúc sau khi an ủi cô bé khán giả, đã thầm biết ơn những giọt nước mắt ấy. Chính vì có nó, chị biết mình đã nhập vai thành công. Và cũng chính sự khóc cười của khán giả, đã nâng chị bước tiếp trên chặng đường nghệ thuật sân khấu vốn không phải là "mốt thời thượng" trong thời kỳ chuyển qua giai đoạn kinh tế thị trường!
Hoàng Cúc thành công trên sân khấu kịch và luôn thừa nhận là yêu sân khấu hơn điện ảnh nhưng công bằng mà nói, Hoàng Cúc đã thực sự "sống" được rộng rãi trong lòng khán giả là nhờ những vai diễn điện ảnh. Với điện ảnh, chị đã bộc lộ sở trường của mình trong việc thể hiện những mô-típ đàn bà sắc sảo, quyền biến, nhiều tham vọng và thích làm những việc "kinh thiên, động địa". Một Thủy, cô con dâu có học nhưng thực dụng, biết cách để tồn tại ở thời mở cửa bon chen và nhiều toan tính trong phim "Tướng về hưu" (Đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi), một Tám Bính trong phim "Bỉ vỏ" (Đạo diễn: Lương Đức, Vũ Lệ Mỹ) từ một gái quê hiền lành, chất phác, nhưng bị hoàn cảnh xô đẩy đã trở thành một kẻ ăn cắp ham mê trụy lạc, một cô Thảo phim "Sa bẫy" (2 tập - Đạo diễn: Lê Đức Tiến) một nữ quái với những thủ đoạn khôn lường để kiếm tiền cho những cuộc trốn chạy khỏi đất nước đổi lấy sự phù hoa, rồi một Thu Trang trong "Hồi chuông màu da cam", một Hiền trong "Dòng sông khát vọng", một Thái phi Ngọc Hoan trong "Kiếp phù du"...
NSND Hoàng Cúc tham gia bộ ảnh nón úp ngực.
Tất cả đã thể hiện một Hoàng Cúc sắc sảo, chua cay, đáng sợ mà không bị lên gân, cường điệu. Chị là một diễn viên thông minh vì biết "gảy" đúng tâm lý nhân vật, đưa nhân vật hòa vào đời sống muôn điệu thường ngày. Cho dù trong hoàn cảnh nào, chị cũng luôn biết cách lấy nước mắt, nụ cười lẫn cả sự căm thù trong lòng khán giả.
Hoàng Cúc tâm sự rằng, trước mỗi vai diễn, chị luôn nghĩ mình phải diễn như thể, nếu kết thúc vở diễn này, căn bệnh mãn tính có thể quật ngã chị, và sẽ có thể, chị không có cơ hội quay trở lại sân khấu, nơi chị sống hằng đêm với từng mảnh đời khác, thân phận khác nhưng cũng đa diện không kém gì chính cuộc đời thật mà chị đang đi qua.
Người phụ nữ năng động, tháo vát và... cô đơn
Ở một khía cạnh nào đó, Hoàng Cúc may mắn hơn nhiều diễn viên cùng thời vì chị không phải đối mặt với vấn đề "cơm áo" trong thời buổi sân khấu đang thực sự gặp phải những khó khăn. Theo lời khuyên của một ông thầy tử vi mấy chục năm trước, sau khi thử sức với lĩnh vực kinh doanh để "cải thiện đời sống" như kinh doanh rượu, áo cưới, nhà hàng… không thành, chị đã quay ra kinh doanh bất động sản và… trúng mánh.
Những năm 90, có ít tiền tiết kiệm chị đã đầu tư hàng trăm sào đất và giờ thì chị đã trở thành… bà tỉ phú. Chị ở nhà sang, đi xe hơi đắt tiền và đủng đỉnh… làm nghệ thuật chân chính. Ngay cả căn nhà 5 tầng với diện tích mặt sàn hơn 100m2 trên con phố Linh Lang hiện chị đang ở, cũng do một mình chị tự mày mò thiết kế và đặt hàng theo ý thích riêng của mình và phải mất hàng năm trời để hoàn thiện nó. Căn phòng của chị có một tủ rượu với đủ mọi nhãn hiệu, kiểu dáng, một tủ sách truyện, tiểu thuyết và hàng chồng kịch bản sân khấu.
Nhưng đặc biệt hơn cả, căn phòng được bày rất nhiều ảnh chân dung của chị, như là một cuộc đời Hoàng Cúc được kể bằng ảnh qua từng năm tháng. Đó là những lát cắt về thời gian mà một người nhiếp ảnh chuyên nghiệp nào đó, phải rất hiểu Hoàng Cúc, mới có thể tìm được những "khoảnh khắc vàng" như thế. Cái vẻ mặt bầu bĩnh, lạnh lùng, đôi mắt "đen hạt nhãn", đôi môi gợi cảm dỗi hờn rất xi-nê của chị khiến người ta vừa sợ nhìn vào, nhưng khi nhìn thì bị quyến rũ, hút hồn đến khó có thể rời ra được.
Nhưng rồi, vượt qua mọi danh vọng và ánh sáng phù hoa trên sân khấu, người đàn bà vốn dĩ có tâm hồn nhạy cảm lại gặp những nỗi đa đoan trong đường tình duyên. Tình yêu thời tuổi trẻ với anh họa sĩ, nhà báo tài hoa cũng có lúc đã nuôi nấng trái tim chị vượt qua bao điều phiền muộn, đủ cho chị nếm trải những hạnh phúc ấm áp. Tuy hồi đó, "hai trái tim vàng" chỉ sống trong một căn phòng có 8m2 cùng cậu con trai nhỏ và hai đứa cháu, nhưng những ngày tháng đó rất đẹp và dĩ nhiên chị đã bồng bềnh như đi trong ảo ảnh của những bức họa có sức hút mê hồn mà người đàn ông ấy đã si mê vẽ tặng chị.
Nhưng rồi, khi sự lãng mạn không đủ cho đời sống, sự cẩu thả đến buông tuồng không đủ để đẹp trong mắt nhau, khi tình yêu không đủ mạnh để chiến thắng lý trí, thì tốt nhất, nên cởi trói những ràng buộc cho nhau để không ai phải khổ. Đó là một quyết định đúng và chị không hối tiếc nếu như đó cũng chính là sự an bài của số phận. Và, tất nhiên, tôi cũng hỏi chị một câu, mà tôi đồ rằng có nhiều người thắc mắc, là tại sao, ngần ấy năm, một người đàn bà đẹp như chị vẫn chỉ sống một mình? Chị cũng chỉ cười, một nụ cười rất nhẹ và từng trải. Sự từng trải cũng đã khiến chị hiểu rằng, "thêm một" là thêm những điều phiền muộn, lắm khi rắc rối.
Chị chỉ nghĩ cho cậu con trai duy nhất, là cho con một tình yêu, một công việc, nuôi lớn con nên người. Và con trai của Hoàng Cúc, sau khi đi du học tại Trung Quốc trở về, nay đã có một gia đình nhỏ, vợ và hai con, một công việc ổn định, một tình yêu bao la dành cho mẹ. Cho dù thế nào đi nữa, thì Hoàng Cúc thuộc tuýp người phụ nữ biết cách cân bằng cho cuộc sống của mình, cho dù số phận của người đàn bà đẹp ấy, chưa bao giờ lành lặn.
Chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác
Như là một cái "gien" với tiền sử là người chị gái bị bệnh Basedow đã chạy vào tim, NSND Hoàng Cúc cũng bị Basedow biến chứng chạy vào tim. Định đi mổ thì phát hiện thêm bệnh mạch vành, không mổ được, và chị phải trung thành với các loại thuốc suốt đời.
NSND Hoàng Cúc từng chia sẻ: "Nhiều hôm đi diễn mặt tôi cứ phù lên, nhịp tim tăng nhanh, không thể thở được. Bác sĩ quyết định hoặc là không đi diễn nữa, hoặc phải uống thuốc có chứa phóng xạ. Nhịp tim ổn định hơn, nhưng vẫn chưa đủ và tôi phải uống thêm đợt hai. Chỉ trong vòng nửa tháng, người tôi gầy rộc đi, cô cháu gái nấu cơm để ở cửa rồi tôi ra lấy vào ăn, cách ly mọi người theo hướng dẫn của bác sĩ. Từ rất thích nghe nhạc, tôi trở nên sợ nghe nhạc, từ rất thích đọc sách thì đọc không thấy vào nữa. Tôi mệt mỏi thật sự.
Sau đận ấy tôi có ý thức để ý sức khỏe thật sự, rút lui về hậu cần nhường sân khấu cho lớp trẻ. Tôi đặt báo chuyên về sức khỏe để xem thêm. Tôi đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng. Có lần còn đến bệnh viện quốc tế chi 2 triệu đồng để chụp ngực xem có ung thư không. Kết quả là không, nhưng mình vẫn có linh tính không yên. Đến khi con trai lấy vợ, tôi khuyên các con đi khám tổng thể trước khi sinh con và mình cũng nhân tiện khám luôn.
Kết quả thật là sững sờ: tôi bị ung thư vú, bệnh đang ở giai đoạn 2. Các bạn bè nghệ sĩ nhiệt tình lắm, nhưng tôi nói với mọi người: Tôi không chết được đâu. Sau khi phẫu thuật, vào sáu đợt hóa chất ở Bệnh viện K, tôi đi nước ngoài chữa trị tiếp và ở đó lại được mổ thêm một lần. Đó là năm 2011. Tóc tôi tốt lắm, trước khi tóc rụng, tôi gọi thợ đến nhà "tông đơ" thành trọc luôn trước khi bị rụng hết vì hóa chất. Khi mình đã xác định được thì mình đón nhận nên cảm thấy tâm nhàn.
NSND Hoàng Cúc đóng vai Thủy trong bộ phim “Tướng về hưu”.
Sau khi đi chữa bệnh về, tôi đã lên một "lịch" để chiến thắng bệnh tật, chiến thắng số phận. Tôi tham gia Câu lạc bộ Tình người, có khi đến đó nói chuyện về sức khỏe, thấy thích lắm. Rồi đi lễ chùa cầu an cho mình và mọi người. Thời điểm ấy có Nick Vujicic (nhà diễn thuyết khuyết tật nổi tiếng) đến Việt Nam, nhưng trước đấy thì qua băng tôi đã xem anh ấy diễn thuyết với học sinh ở Mỹ. Một người không có tay, không có chân mà tự tin kinh khủng. Mình thấy số phận mình cũng có chỗ này chỗ nọ, nhưng không bao giờ để gục ngã".
Kể từ đó, NSND Hoàng Cúc phải kiêng sữa, đường, thịt bò, đồ rán, xào; lúc thèm quá, chị lại rủ cả nhà và bạn bè đi nhà hàng Nhật Bản. Uống nhiều loại thuốc, tảo mỗi ngày... Ngoài ra, chị thường xuyên tập Yoga, thiền và nghe nhạc Phật. Chị cũng thường xuyên gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm, động viên người đồng cảnh. Họ đã xem chị như một tấm gương để học hỏi trong việc “chiến đấu” căn bệnh quái ác.
Chị đã tham gia chụp bộ ảnh "Nón úp ngực" cùng các nghệ sĩ như Chiều Xuân, Hoa hậu Ngô Phương Lan, Nguyễn Thị Loan, ca sĩ Thái Thùy Linh, pianist Trang Trịnh trong ngày Hội Nơ hồng. Đây là sự kiện được tổ chức lần đầu tiên bởi Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - do Thương Sobey - một phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn 4 - sáng lập (Thương đã mất tại Úc vào tháng 3-2015 trong sự tiếc nuối của nhiều người).
NSND Hoàng Cúc là một người đầy bản lĩnh vì chị bảo rằng, chưa bao giờ chị đầu hàng bệnh tật. Chị chấp nhận chung sống với nó. Thậm chí, chính vì có bệnh mà nhiều khi chị lại thấy cần phải yêu bản thân mình hơn bao giờ hết. Bây giờ, hàng ngày chị chăm hai đứa cháu nội (một trai, một gái), rảnh rỗi thì đọc sách, đi chơi, lái xe về quê đi lễ đền Mẫu để cầu an trong tâm hồn. Chị cũng đang ấp ủ cho ra mắt một tập truyện ngắn, một niềm đam mê không phải ai cũng biết về chị, niềm đam mê song hành cùng sân khấu, điện ảnh từ những ngày tuổi trẻ...