Cái khó ló cái nghề
Nhạc sĩ trẻ Tiến Phúc, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam mấy năm qua “Nam tiến” vào TPHCM lập nghiệp gặp phải đại dịch COVID-19. Khu vực anh sinh sống bị phong tỏa nhiều tháng, quán nhạc thường chơi bị đóng cửa, các phòng thu âm vốn là chỗ làm việc cũng ngừng hoạt động. Tiến Phúc đăng ký làm shipper giao hàng, nhưng đơn xin việc của anh đến giờ cũng chẳng ai hồi âm. Chắc là người ta nghĩ rằng chuyên môn nghệ sĩ đi chạy xe giao hàng không mấy phù hợp?
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo thì dường như sự sáng tạo lại trở thành cứu cánh. Với một cái máy tính, một chiếc điện thoại, Tiến Phúc nghiên cứu về kỹ thuật thu âm, cách thu âm hiệu quả nhất dành cho những người làm trong lĩnh vực âm thanh, các nghệ sĩ và kỹ năng thu âm cho những người kinh doanh trên mạng. Anh trở thành chủ của 5 trang diễn đàn về kỹ thuật thu âm online. Mỗi diễn đàn như vậy thu hút nhiều ngàn thành viên trao đổi, học hỏi mỗi ngày.
Tiến Phúc nói: “Em bán được rất nhiều chương trình, các clip hướng dẫn cách thu âm cho người yêu nhạc và kể cả các nghệ sĩ nổi tiếng. Đó là nguồn thu nhập khá ổn định trong thời gian vừa qua”.
Bằng kiến thức một chuyên gia âm thanh và một nhạc sĩ, anh đã trở thành một “thầy giáo âm thanh”, giúp cho nhiều chương trình thu âm trực tiếp thành công, mới nhất là chương trình hát quan họ online của các nghệ sĩ nghệ nhân tại TPHCM.
Diva dạy trực tuyến
Quảng cáo hấp dẫn tuyển sinh lớp đào tạo diễn viên |
Nhạc sĩ Tiến Phúc nói: “Làm một kỹ sư âm thanh mạng, tôi mới biết công việc giảng dạy online đang là niềm vui và nguồn thu nhập của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ khi các sân khấu vẫn chưa mở cửa trở lại. Có nhiều ca sĩ trở thành những giáo viên thanh nhạc online rất nổi tiếng, chẳng hạn như ca sĩ Zyna Bya. Cô có rất đông học trò từ mọi miền đất nước”.
Ca sĩ Zyna Bya là một giọng ca đẹp của núi rừng Tây Nguyên, một dạo, cô mở quán cà phê nhạc gần cầu Công Lý. Zyna Bya có cách dạy nhạc rất “cống hiến” chẳng khác gì lúc cô trên sân khấu. Sự nhiệt tình và thẳng thắn của cô cuốn hút nhiều học viên đến với thế giới âm nhạc.
Ca sĩ Mỹ Linh tiết lộ với báo chí rằng cô đã tiêu hết số tiền dự phòng trong thời gian xảy ra đại dịch gần 2 năm qua. Số lượng các buổi biểu diễn là vô cùng hiếm. Mỹ Linh vẫn là cái tên rất “hot” kể cả tại TPHCM. Khi sân khấu Đồng Dao vừa được mở cửa thì họ lập tức mời Mỹ Linh biểu diễn. Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu, dịch bệnh bùng phát đợt mới, sân khấu Đồng Dao lại đóng cửa. Chính trong buổi diễn tại Đồng Dao, Mỹ Linh đã tiết lộ một dự án mới của mình, đó chính là dạy nhạc online.
Cô giáo Mỹ Linh, vốn chỉ dạy cho các ca sĩ chuyên nghiệp trong các chương trình truyền hình thì nay đã sẵn sàng dạy cho mọi đối tượng yêu thích âm nhạc. Cô nói rằng: “Các bạn ở nhà tập hát, luyện thanh cũng là một cách rèn luyện thể lực và tăng cường sức khỏe. Lúc trước có mấy lần mình đi tập chương trình, vừa đứng hát vừa nói suốt gần cả tiếng thấy giảm được bao nhiêu calories, cũng tương đối ngang chạy bộ nhưng nếu cả show toàn bài khó thì chắc chắn gấp đôi”. Dạy nhạc, học nhạc, với ca sĩ Mỹ Linh đó cũng là một cuộc rèn luyện thể lực, bền bỉ chống lại đại dịch, cùng lúc với việc hát khỏe, hát hay.
Kịch sĩ làm giảng viên
Trong lúc chờ đợi sân khấu sáng đèn, nhiều trung tâm nghệ thuật đã chuyển hướng sang mảng giáo dục đào tạo.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa ra thông báo sẽ chiêu sinh khóa đào tạo diễn viên chuyên nghiệp vào các ngày 13-14/11/2021. Các khóa học sơ cấp 6 tháng, trung cấp 6 tháng, cao cấp 12 tháng, với học phí 3-4 triệu đồng/tháng. Chương trình được giảng dạy bởi các nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như, NSND Việt Anh, Hữu Châu, NSƯT Tuyết Thu… Các thí sinh được tiêm vắc xin mới đủ điều kiện tham dự các lớp đào tạo diễn viên.
Sân khấu kịch Idecaf mở lớp đào tạo diễn viên căn bản khóa 22, khai giảng hôm 6/11/2021. Các học viên chỉ học vào những ngày cuối tuần và học phí 6 triệu đồng/ khóa 3 tháng cho các nội dung về hình thể, tiếng nói và nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi nói: “Mở mang lĩnh vực đào tạo cũng là một hướng đi cần vào lúc này. Rất nhiều bạn trẻ yêu sân khấu kịch sẽ có dịp trải nghiệm và hiểu biết hơn về sân khấu, gắn bó với sân khấu lâu dài nếu các em có năng khiếu và yêu thích nghệ thuật sân khấu. Cái khó là đầu ra cho các em sẽ như thế nào nếu sân khấu vẫn tiếp tục đóng cửa?”.
Khó khăn chỉ là tạm thời
Ca sĩ Minh Thu nói rằng, nói cho cùng, công việc người nghệ sĩ là biểu diễn. “Làm thêm” bằng giảng dạy chỉ là công việc tạm thời trong thời gian giãn cách.
“Công việc biểu diễn đòi hỏi người nghệ sĩ phải tập luyện, di chuyển, biểu diễn thường xuyên. Khi sân khấu mở cửa trở lại thì rất khó thu xếp thời gian để dạy online, vì thế nhiều nghệ sĩ không dám nhận học trò” - Ca sĩ Minh Thu nói.
Chuyên gia âm thanh Tiến Phúc cũng nhận xét: “Việc dạy online tuy thuận tiện là có thể dạy người ở xa, những múi giờ khác nhau, thậm chí dạy cho người ở nước ngoài, nhưng dù sao cũng không thể so sánh với việc dạy và học trực tiếp, cùng trong một không gian, cùng trong một môi trường biểu diễn”.
Không ai xem giãn cách là một lợi thế cả, song trong giãn cách xã hội, con người vẫn thích nghi và trưởng thành. Giảng dạy nghệ thuật online đã phổ biến trên toàn thế giới từ khi đại dịch COVID-19 nổ ra. Nghệ sĩ ghi ta lừng danh Carlos Santana cũng có kênh dạy trực tuyến của mình. Bởi vậy, việc diva Mỹ Linh dạy hát online không còn là chuyện lạ dù trước đó chưa từng xảy ra.
Ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ một lá thư của học viên trẻ tuổi, viết: “Con xin cám ơn cô và khóa học 21 ngày luyện hát, nhờ đó con đã đậu vào trường Văn hóa nghệ thuật TPHCM”. Cô giáo Mỹ Linh thì tiết lộ “cô đang ốm mà nhận được lá thư cám ơn của học trò thì khỏe ra”.