Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ: Chấn chỉnh, nhắc nhở thay vì xử phạt

0:00 / 0:00
0:00
Ca sĩ Duy Mạnh, MC Trác Thúy Miêu, người mẫu Trang Trần nằm trong số người nổi tiếng từng nhận trát phạt vì phát ngôn không chuẩn mực
Ca sĩ Duy Mạnh, MC Trác Thúy Miêu, người mẫu Trang Trần nằm trong số người nổi tiếng từng nhận trát phạt vì phát ngôn không chuẩn mực
TP - Sau nhiều tháng lấy ý kiến góp ý của nghệ sĩ, nhà quản lý và người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chuẩn bị ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, với mục tiêu đặt ra bộ khung điều chỉnh ứng xử của nghệ sĩ.

Bộ quy tắc đạo đức đầu tiên

Hệ thống văn bản luật, nghị định điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh… tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này chưa từng có một văn bản nào đề cập toàn diện những khía cạnh liên quan đến phạm trù đạo đức, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ. Bộ VHTTDL đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành trong tháng 11 này Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

PGS.TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL thừa nhận, thời gian qua công chúng chứng kiến nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh từ văn hóa ứng xử của nghệ sĩ: nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, phát ngôn phản cảm, lùm xùm khi tham gia hoạt động từ thiện… Những vấn đề này đặt dấu hỏi lớn liên quan đến văn hóa ứng xử của người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật. “Dư luận và giới nghệ sĩ vẫn luôn nhắc đến giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức, tác phong, hình ảnh…nhưng chưa có văn bản nào định hướng những chuẩn mực đó một cách cụ thể”, Thứ trưởng Đông nói.

Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gần như đã được hoàn thiện sau quá trình lấy ý kiến rộng rãi. Thứ trưởng Bộ VHTTDL giải thích, bộ quy tắc nhằm xác định các chuẩn mực hành vi ứng xử đạo đức; khuyến khích nghệ sĩ phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần lấy điều tích cực đẩy lùi tiêu cực. Quy tắc ứng xử có thể xem như một tấm gương soi chiếu; khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, sau khi ban hành Quy tắc ứng xử này, bộ sẽ có công văn gửi các sở quản lý văn hóa, các hội chuyên ngành và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước yêu cầu phổ biến rộng rãi nội dung; đề nghị ban hành, bổ sung vào các quy tắc, điều lệ của cơ quan, đơn vị trên nền của quy tắc ứng xử.

Ban soạn thảo đặt ra tiêu chí đối với những hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật ở các khía cạnh như: hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, đối với công chúng, ứng xử trong xã hội, ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Những quy tắc ứng xử chung mang tính bao quát, nhấn mạnh những quy chuẩn mà người hoạt động nghệ thuật cần tuân thủ như đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; tinh thần thượng tôn pháp luật; giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự, hình ảnh, tác phong phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Một trong những lĩnh vực được công chúng quan tâm-câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện- cũng được đưa vào quy tắc. Xã hội trân trọng nghĩa cử của nghệ sĩ, nhưng họ cũng mong nhìn thấy sự minh bạch, trung thực, cái tâm trong sáng của nghệ sĩ. Bộ VHTTDL đưa ra tiêu chí cho nghệ sĩ hoạt động từ thiện như: công khai, minh bạch, kịp thời trong công tác xã hội, giữ niềm tin, uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi cá nhân; phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng.

Không đặt nặng hình phạt

Một bộ quy tắc trở thành chiếc gương soi cho nghệ sĩ trong ứng xử là chính, không mang giá trị pháp lý. Đây là văn bản điều chỉnh phạm trù tương đối trừu tượng-đạo đức, ứng xử của nghệ sĩ thông qua khung cơ bản để các nghệ sĩ tự tiết chế và điều chỉnh hành vi. Quy tắc cũng không đặt ra mục đích xử phạt đối với nghệ sĩ khi họ mắc sai lầm. Những người soạn thảo ý thức được rằng đây chính là chiếc rào chắn nghệ sĩ trước ranh giới của phát ngôn, hành vi quá đà.

“Mặc dù không đề cập đến chế tài xử phạt, nhưng những quy tắc cơ bản này cũng sẽ là quy chuẩn mang tính nền tảng để từ đó các sở quản lý văn hóa, hội chuyên ngành văn học nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật, các tổ chức… dẫn chiếu và ban hành quy tắc riêng”, PGS.TS Tạ Quang Đông nói. Ông lấy dẫn chứng, đối với nghệ sĩ có phát ngôn phản cảm, quảng cáo thiếu trung thực thì nhà đài hoàn toàn có quyền từ chối cho họ lên hình. Trong trường hợp nghệ sĩ vi phạm quy định của pháp luật thì đều chịu sự điều chỉnh của các khung pháp lý cụ thể. “Đôi khi sự lên án từ công chúng, dư luận xã hội cũng là những án phạt không hề nhẹ đối với nghệ sĩ. Đối với người hoạt động nghệ thuật thì uy tín, danh dự, hình ảnh mới là điều có giá trị lớn lao nhất”, Thứ trưởng Đông nói.

Đồng tình với quan điểm này, diễn viên Phương Oanh cho rằng, quy tắc để định danh nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu. Thực tế, một bộ phận người chỉ quay một vài clip, tham gia một vài vai nhỏ nhưng cũng nghĩ mình là nghệ sĩ, đôi khi lấy danh nghệ sĩ làm điều sai trái. “Tôi luôn cố gắng đứng cả ở vị trí của người hoạt động nghệ thuật và vị trí của công chúng. Tôi luôn tự răn đe, khắt khe với bản thân khi đặt mình ở vị trí người hoạt động nghệ thuật”, Phương Oanh nói. Cô cũng thừa nhận có những giai đoạn chịu khủng hoảng lớn khi bị những người tẩy chay công kích. “Những thời điểm ấy, tôi cố gắng kiểm soát phát ngôn và hành động. Nghệ sĩ phải đối diện với áp lực ngày càng lớn do lượng người hâm mộ không ngừng tăng, người tẩy chay cũng tăng theo”, nữ diễn viên Hương vị tình thân bày tỏ.

Quy tắc ứng xử dù không phải là hành lang pháp lý, nhưng chắc chắn là hành lang ở khía cạnh đạo đức, chuẩn mực. TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa-Xã hội (UBTƯ MTTQVN) nêu quan điểm: “Không nên tư duy cái gì cũng cần xử lý bằng luật, bằng chế tài. Với người nổi tiếng thì cái hay, cái dở đều có thể được truyền rất xa. Người nổi tiếng phải phát ngôn đúng đắn, hành vi cử chỉ cần chuẩn mực. Một khi có quy tắc, nghệ sĩ mà vi phạm chắc chắn phải tự thấy băn khoăn. Sự lên án của xã hội đối với họ là hình phạt còn nặng hơn là xử phạt bằng tiền”.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.