Mưa lũ làm một số bản thuộc các xã Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Phong, Châu Nga (huyện Qùi Châu, Nghệ An) bị chia cắt cục bộ. Chiều tối ngày 17/9, đập tràn đi từ trung tâm xã Châu Tiến vào bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2 nước lũ dâng nhanh, hai bản nói trên bị cô lập hoàn toàn. Tại xã Châu Thắng, có 5 bản gồm Bản Xẹt 1, Xẹt 2, bản Cắng, bản Bài và bản Chiềng với hàng trăm hộ dân bị nước lũ uy hiếp.
Nước lũ tại sông Hiếu dâng khiến cầu Châu Thắng bắc qua sông này bị ngập sâu hơn 1m. Lực lượng chức năng đã phải dùng cọc tre để rào đường ngăn không cho người và phương tiện giao thông từ QL48 đi vào 5 bản bên kia sông của xã Châu Thắng cũng như chiều ngược lại. Tại xã Châu Phong, đến nay cầu bản Lìm cũng bị nước ngập sâu đến hơn 1m khiến cho các bản như bản Lìm, bản Tằm, bản May, bản Lầu...bị chia cắt, người dân không đi lại được.
Nhiều bản làng bị chia cắt bởi nước lũ trên sông Hiếu dâng cao.
Cánh đồng lúa của bà con huyện Quế Phong bị nước lũ nhấn chìm (Ảnh: TT-TH Quế Phong)
Ông Ngô Đức Thuận-Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho biết: tình hình mưa lụt tại huyện Quỳ Châu đang diễn biến phức tạp. Sau 3 ngày có mưa lớn, nước tại các con suối và sông Hiếu đang lên rất cao. Hiện, toàn huyện có 4 điểm ngập lụt cầu khiến cho nhiều bản nằm ở các xã Châu Phong, Châu Tiến, Châu Thắng và Châu Nga, bị chia cắt. Ban chỉ huy PCLB huyện đã cử lực lượng đến các điểm trên để rào chắn không cho người dân đi lại, đồng thời có lực lượng túc trực, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Theo báo cáo nhanh, do ảnh hưởng dải hội tự nhiệt đới có trục ở khoảng 13 đến 16 độ vĩ bắc kết hợp với hoạt động mạnh của nhiễu động gió đông trên cao, ở Nghệ An từ ngày 12 đến ngày 18/9 đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng hợp lượng mưa đến ngày 18/9, phổ biến từ 100 đến 300mm. Cao nhất là các huyện Quế Phong 261 mm, Quỳ Hợp 250,7 mm, Nam Đàn 320mm, Đô Lương 300mm, Vinh 304mm, Cửa Hội 346mm. Mực nước lúc 7h ngày 18/9 trên sông Lam tại trạm thủy văn Nam Đàn là 4,79m, dưới mức báo động 1 là 0,61m. Thượng nguồn sông Hiếu, đỉnh lũ tại Quỳ Châu: 74.47m (20 giờ, 17/9). Một số hồ thủy điện có dung tích nhỏ đã chảy tràn.
Tại Km 178 + 197, ĐT.543 đoạn qua địa bàn xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, sạt lở taluy dương lấp toàn bộ mặt đường dài 20m, rộng 6m, cao bình quân 6m, ước tính khối lượng khoảng 700m3.
Hiện nay, Sở GTVT Nghệ An đang chỉ đạo đơn vị quản lý phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông. Trên quốc lộ 48, km11 + 360 đoạn qua thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu), mặt đường bị hư hỏng kết cấu, đọng nước gây nguy hiểm cho an toàn giao thông, kích thước dài 6m, rộng 4,5m lún 15cm so với hiện trạng. Đoạn qua xã Quỳnh Mị (huyện Quỳnh Lưu) km 14 + 400 đến km 15 + 600 mặt đường bắt đầu lộ rõ ổ voi, ổ gà sau mưa. Trên nhiều điểm trên quốc lộ 48 cũng xuất hiện tình trạng đất bồi lấp nền, mặt đường khối lượng cao nhất khoảng 18 m3.
Ngoài ra, những tuyến đường chính thuộc thành phố Vinh, huyện Tân Kỳ cũng bị xói lở với các mức độ khác nhau. Mưa lớn cũng làm ngập một số điểm đường, chỗ ngập sâu nhất khoảng 1m ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp. Lực lượng chức năng đã lập các chốt chặn không để người dân qua lại trên các điểm bị ngập và sụt lún.
Mưa lũ khiến 1 ngôi nhà bị sập, 219,5 ha lúa, 214 ha ngô, 567,7 ha rau màu, 22,1 ha cây công nghiệp, 68,6 ha ao cá bị ngập. Toàn tỉnh có 9 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở bờ sông kéo dài 2km, đê nội đồng cũng bị hư hỏng. Đường giao thông liên xã bị sạt lở 22.768, 3 m3; sạt lở mặt đường nhựa 36 m2, cống thoát nước, cầu giao thông nông thôn cũng bị hư hỏng. Vào khoảng 10h30 ngày 17/9, em Lô Minh Đăng (SN 2009, trú bản Tạng, xã Tiền Phong) học sinh trường tiểu học Tiền Phong 2 khi đang lội qua con suối trên đường đi học về không may trượt chân và bị nước lũ cuốn trôi.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng- Giám đốc Chi cục đê điều và PCLB Nghệ An cho biết tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thu hoạch số diện tích lúa hè thu còn lại, tiêu úng và bảo vệ cây trồng vụ đông. “Một số vị trí bị ngập ở các tuyến đường giao thông, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện, chủ động phân luồng tại các vị trí ngập lụt không thể bỏ qua được. Trực nghiêm túc 24/24 giờ, thu, nhận và xử lý các thông tin về mưa lũ để kịp thời có biện pháp ứng phó, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh”.