Ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản
Sau khi nhận được tin người dân thôn Tân Minh, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) phản ánh có một số tàu hút bùn đất từ cảng Nghi Sơn xả thải tại vùng biển gần bờ giáp ranh hai tỉnh Nghệ An - Thanh Hóa, đầu tháng 5/2017 xã Quỳnh Lập phối hợp với Trạm kiểm soát Lạch Cờn, đồn Biên phòng Quỳnh Phương kiểm tra. Tại tọa độ 19độ 17’200’’N - 105độ 48’620’’E phát hiện 2 tàu, dung tích khoảng 300m3/tàu xả thải bùn đất tại vùng biển xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), cách địa phận vùng biển thôn Tân Minh, xã Quỳnh Lập, thị xã (TX) Hoàng Mai (Nghệ An) khoảng 250 đến 300m. Chính quyền xã Quỳnh Lập đã có văn bản gửi UBND TX Hoàng Mai báo cáo sự việc này.
Tại báo cáo nhanh số 17/BC-UBND ngày 5/5 của UBND TX Hoàng Mai gửi Thường trực Thị ủy, Sở TNMT, UBND tỉnh Nghệ An cho thấy: “Vùng bờ biển giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, khu vực phía trong tàu thải bùn, nước chia ba màu. Gần bờ màu đen, cách bờ khoảng 35 đến 40m là màu đục, phía ngoài là màu xám”. Lãnh đạo TX Hoàng Mai nhận thấy việc xả thải “đã có những tác động nhất định đến hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, hoạt động sản xuất tôm giống, nuôi trồng thủy sản của địa phương”. Ngày 9/5, báo Tiền Phong cũng nhận được thông tin có một số tàu tiếp tục xả thải tại vùng biển nói trên.
Ngày 10/5, Sở TN-MT Nghệ An có công văn số 2487 báo cáo UBND tỉnh Nghệ An về sự việc này. “Theo kết quả phân tích chất lượng môi trường biển khu vực bãi biển Quỳnh Phương có diễn biến xấu. Trong kết quả phân tích môi trường mẫu nước biển tại bãi biển Quỳnh Phương ngày 24/4 (trước khi tàu đổ thải) thì 13/13 thông số đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước biển ven bờ đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước. Tuy nhiên, kết quả phân tích môi trường ngày 2/5/2017 (sau khi có tàu đổ thải) tại khu vực bãi biển Quỳnh Phương có thông số chất thải rắn lơ lửng vượt 2,78 lần. Như vậy, việc đổ thải đã có tác động nhất định đến hệ sinh thái biển, ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản...”, trích công văn số 2487 của Sở TN-MT Nghệ An.
Tiếp tục quan trắc, giám sát nước biển
Cảng vụ Hàng hải Nghệ An cũng đã có báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An có ý kiến với UBND tỉnh Thanh Hóa về vị trí nhận chìm vật liệu nạo vét quá gần bờ và giáp ranh trên biển của tỉnh Thanh Hóa- Nghệ An.
Ngày 11/5, UBND tỉnh Nghệ An có công văn số 3223/UBND.NN gửi Bộ TN-MT và tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét và có ý kiến về vấn đề xả thải tại khu vực giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa- Nghệ An; đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh, không thực hiện việc xả thải ở khu vực biển giáp ranh hai tỉnh làm ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất.
Cùng ngày, UBND tỉnh Nghệ An có công văn yêu cầu Sở TN-MT tiếp tục quan trắc, giám sát nước biển tại khu vực thị xã Hoàng Mai; giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có biện pháp tuần tra giám sát việc xả thải của các tàu tại vùng biển giáp ranh thuộc xã Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Trong kết quả phân tích môi trường mẫu nước biển tại bãi biển Quỳnh Phương ngày 24/4 (trước khi tàu đổ thải) thì 13/13 thông số đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước biển ven bờ đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước. Tuy nhiên, kết quả phân tích môi trường ngày 2/5/2017 (sau khi có tàu đổ thải) tại khu vực bãi biển Quỳnh Phương có thông số chất thải rắn lơ lửng vượt 2,78 lần. Như vậy, việc đổ thải đã có tác động nhất định đến hệ sinh thái biển, ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản...”, trích công văn số 2487 của Sở TN-MT Nghệ An.
Trưởng BQL khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa): “Không phải chất thải nguy hại”
Chiều 12/5, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn đã tạm dừng hoạt động đổ vật liệu nạo vét trên vùng biển giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa. Việc tạm dừng hoạt động đổ vật liệu nạo vét (cát, sét xám, bùn) để khắc phục công nghệ, thực hiện đổ vật liệu trên biển theo đúng quy trình.
Ông Nguyễn Văn Thi cho biết: Đây không phải là chất thải nguy hại mà là bùn nạo vét từ cảng Nghi Sơn bồi đắp cho cảng của họ. Việc này đã được cấp phép. Tuy nhiên việc thực hiện đổ vật liệu của công ty thực hiện chưa đúng quy trình. Cụ thể như, lẽ ra khi đổ xuống phải có hệ thống chắn lại, nhưng công ty sơ suất. Phía công ty cho rằng vùng cảng này là của công ty thế nên công ty thực hiện. Phía công ty cũng không nghĩ việc đổ vật liệu ở vùng cảng của họ thì nước biển có thể lan truyền như vậy.
Sau khi xảy ra sự việc, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, huyện Tĩnh Gia đã tiến hành kiểm tra. Sau đó, đã yêu cầu phía Công ty CP Gang thép Nghi Sơn ngừng nạo vét, đổ vật liệu nạo vét để chờ xử lý công nghệ theo quy định. Sau khi xử lý công nghệ theo quy định xong thì sẽ thực hiện đổ vật liệu tiếp. “Phía công ty đã thực hiện dừng hoạt động này từ ngày 10/5. Phía tỉnh Nghệ An cũng đã lấy mẫu kiểm tra, giám định cho kết quả là không có chất độc hại. Ngày 11/5, phía tỉnh Nghệ An cũng đã làm việc với Công ty CP Gang thép Nghi Sơn, thống nhất kết quả kiểm định, phương án xử lý từ phía Công ty CP Gang thép Nghi Sơn”, ông Thi nói.
Hoàng Lam