> Hơn 20 người nhập viện khẩn cấp nghi ngộ độc
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra chợ hóa chất Kim Biên, TP. HCM ngày 17-12-2011. Ảnh: Lê Nguyễn. |
Đủ kiểu biến hóa thịt thối thành thịt tươi
Khi tôi dừng chân tại sạp hóa chất Chấn Ph. ở chợ Kim Biên (TPHCM), hỏi mua hóa chất tẩy trắng thực phẩm khô, nhân viên của quán chỉ vào bịch chất lỏng 10 lít có dòng chữ “hóa chất tẩy vải”, sau đó chiết ra bịch nhỏ một lít và hô giá 100.000 đồng. “Chiết ra khoảng 20ml, hòa với 5 lít nước lạnh rồi cho bì heo, ngó sen, khoai tây, rau hay cùi dừa…vào ngâm 10 phút sau là trắng tinh, sạch sẽ”- nhân viên này dặn.
Chạy qua cửa hàng Ngà N., tôi trình bày có một ít thịt đã bị ươn thối muốn “lên đời” để làm mồi cho quán nhậu, một người ở tiệm chỉ cho loại hóa chất bên ngoài ghi dòng chữ Magnesium Sulfate - một hóa chất công nghiệp tẩy vải lụa. Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, người này trấn an: “Không sao đâu, loại hóa chất công nghiệp nhưng vẫn được dùng cho thực phẩm. Chỉ cần ngâm với hóa chất này sau đó thịt sẽ tươi lại, tẩy sạch mùi luôn”.
Nguy hại hơn, mới đây Chi cục Thú y TPHCM còn phát hiện 400 kg thịt heo đã bị ôi thối, heo bị xuất huyết nhưng vẫn được cho “lên đời” bằng hóa chất đưa đến các quán ăn. “Sau khi mua thịt thối về, một cơ sở ở Bình Chánh cho biết đã ngâm vào dung dịch Sunfua dioxit mua ở chợ Kim Biên để hô biến 400kg thịt heo thành thịt đà điểu sau đó bỏ cho nhà hàng với giá cao” - một cán bộ thú y nói.
Nhiều chuyên gia thú y cho biết, chỉ cần hơn 10 phút, hóa chất Sulfite dùng tẩy trắng mủ cao su trong ngành công nghiệp, có thể tẩy trắng da heo, bò, bê ôi thiu, biến những miếng thịt bỏ đi thành tươi rói.
Tại chợ hóa chất và phụ gia hương liệu này, các hộ kinh doanh hàng ăn uống tha hồ lựa chọn để tân trang, biến thực phẩm bẩn thành các món ăn, thức uống đặc sản. Một chủ cửa hàng ở khu chợ hóa chất cho biết, không ít chủ quán ăn thường đến mua sỉ hàng chục kg hương liệu thịt heo, hương bò hầm dùng để nấu lẩu, nấu phở.
Đối với thức uống, nhiều loại hương liệu phụ gia cà phê, hương dâu, cam, sinh tố bơ…đều được bán tràn lan. Người mua chỉ cần bỏ hương liệu này vào nước sôi, thêm ít đường hóa học, phẩm màu là có thể có ly nước cam hoặc cà phê chồn đặc sản.
Bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban quản lý chợ Kim Biên cho biết, ngay cả những người kinh doanh cũng mù tịt về nhãn mác, thành phần tác dụng của hóa chất nên việc kiểm soát chất độc hại này rất khó khăn. Theo bà Nhung, hiện chợ có 17 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm, sử dụng 21 sạp, trong đó có 5 hộ kinh doanh xen kẽ với ngành hàng khác.
Mới đây, tại cơ sở kinh doanh hóa chất Đăng Hưng, Thanh tra Sở y tế TPHCM phát hiện nơi đây kinh doanh hóa chất công nghiệp -thực phẩm lẫn lộn, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm…Trong khi đó, vẫn còn 86 hộ khác kinh doanh hóa chất phụ gia trên các đường phố địa bàn quận khiến quản lý hóa chất phụ gia gặp thách thức.
Chất tẩy hóa học bán tại chợ ở TPHCM. Ảnh: L.N. |
Vừa ăn vừa lo ngộ độc
Ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, 80% lượng thực phẩm hằng ngày cung cấp cho thành phố từ các tỉnh, nên việc kiểm soát để có miếng ăn sạch cho dân không phải là chuyện dễ dàng. Bằng chứng là thời gian qua, gần như ngày nào Chi cục Thú y TPHCM cũng bắt được vài vụ vận chuyển thịt thối từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào TPHCM, len lỏi đến từng bữa ăn người dân.
"100% mứt các loại ngâm chất tẩy trắng công nghiệp, gần 50% dụng cụ sản xuất bẩn, 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh. Đúng là quá bẩn, ăn chi toàn là đồ bẩn!”.- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói tại buổi triển khai công tác ATVSTP tại TPHCM chiều 17-12. |
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, thịt bẩn, thịt thối tuồn vào TPHCM không những chưa trị dứt điểm mà ngày càng gia tăng. Đó là chưa kể thịt bẩn, nhất là thịt nhập khẩu, thay vì nhập khẩu trực tiếp về TPHCM, các chủ hàng nhập về tỉnh rồi tuồn về TPHCM, vì ở tỉnh công tác kiểm soát còn hạn chế.
“Thịt có giấy kiểm dịch nhưng khi xác minh thì toàn giấy giả, còn chủ hàng thì toàn khai địa chỉ ma nên khó xử lý” - ông Thảo cho biết. Theo ông Thảo, từ đầu năm đến nay Chi cục đã xử phạt 4.198 trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt động vật không có giấy kiểm dịch vào thành phố, tăng 1.601 vụ so với năm 2010.
Không chỉ có thịt, nhiều loại thực phẩm thiết yếu được dùng hằng ngày cũng rất đáng lo ngại về tình trạng nhiễm bẩn.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM cho biết, theo kết quả xét nghiệm thực phẩm từ đầu năm đến nay, 27% nước tương, tương ớt lấy mẫu trên địa bàn TP nhiễm vi sinh; 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh; 40% bánh canh, bún nhiễm hóa chất; 50% tương các loại nhiễm vi sinh; 33% bột ớt, hạt dưa nhiễm Rhodamine B; 33% mì, phở, bánh canh các loại nhiễm hàn the; 37,5% chả các loại nhiễm hàn the; 100% mứt các loại nhiễm chất tẩy trắng công nghiệp; 70,4% siro các loại nhiễm DEHP… Đó cũng là nguyên nhân khiến số vụ ngộ độc không ngừng gia tăng.
Ông Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện vệ sinh y tế công cộng TPHCM cho biết, 30% số vụ ngộ độc hiện vẫn chưa truy được nguyên nhân, còn các vụ đã xác định được thì do 50% là vi trùng và 50% do hóa chất.
Dân vẫn phải tự cứu là chính
“Kiểm tra đến đâu phát hiện vi phạm đến đó” - ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết. Cũng theo ông Hòa, trong năm 2011 kiểm tra 32.585 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, phát hiện 1.463 sai phạm, đình chỉ hoạt động 181 cơ sở, tịch thu tiêu huỷ gần 25 tấn thực phẩm các loại, gồm hàng tấn thực phẩm đóng hộp, bao gói nhiễm phóng xạ, quá hạn sử dụng.
“Hiện TPHCM có gần 30.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống phục vụ cho nhu cầu của hơn 9 triệu dân, trong khi bộ máy thanh kiểm tra mỏng, không thể kham nổi”- ông Hòa nói.
Trước những mối nguy rình rập, ông Hứa Ngọc Thuận- Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, trước mắt người dân phải biết tự bảo vệ mình. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại những vụ ngộ độc tập thể vừa qua chỉ là ngộ độc cấp tính, đáng ngại nhất là ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống.
Bộ trưởng yêu cầu TPHCM đặt ngay các trạm kiểm soát, kiểm dịch thực phẩm ở các chợ đầu mối bởi nguồn cung ứng lớn, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm.
Bán hóa chất phải có bằng như bán thuốc tây Trước tình trạng hầu hết hộ kinh doanh bán hóa chất, phụ gia không có bằng cấp, mù tịt kiến thức về sản phẩm, TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, sắp tới sẽ đề xuất đào tạo, huấn luyện cho người bán hóa chất, phụ gia và cấp giấy chứng nhận như với bán thuốc tây. “Ai muốn kinh doanh phải có giấy chứng nhận như kiểu nhà thuốc đạt chuẩn GPP (thực hành tốt bán lẻ thuốc) mới được bán” - ông Khẩn đề xuất. |