Số lượng người kết hôn đang có xu thế giảm. Theo thống kê mới nhất của Bộ Dân chính Trung Quốc, số lượng đăng ký kết hôn trong 3 quý đầu năm 2021 là 5.886.000 người, ít hơn 8.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Trang Thepaper đưa tin dữ liệu từ cuộc điều tra dân số quốc gia Trung Quốc lần thứ 7 tiến hành năm 2020 cho thấy số nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ tới 34,9 triệu người. Thực tế có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ nam/nữ ở các tỉnh, thành phố. Cụ thể, Quảng Đông là tỉnh có tỷ lệ chênh lệch cao nhất, với tỷ lệ nam là 53,07%, nữ là 46,93% và tỷ số giới tính là 113,08. Tiếp theo là Hải Nam với tỷ lệ nam là 53,02%, nữ là 46,98% và tỷ số giới tính là 112,86. Cát Lâm và Liêu Ninh là những tỉnh duy nhất trong cả nước có tỷ lệ nữ nhiều hơn nam.
Người Trung Quốc có câu “Tam thập nhi lập” (Ba mươi tuổi thì thành gia lập nghiệp). Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nếu một người đàn ông bình thường qua 30 tuổi mà chưa kết hôn, anh ta có thể bị coi thành “quang côn” (người độc thân, trai ế vợ). Trong xã hội truyền thống với chế độ hôn nhân phổ cập, ai bị gọi là “quang côn” đáng xấu hổ và mất mặt, đồng thời cũng chịu áp lực không nhỏ từ dư luận.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng già hóa và giảm tỷ lệ sinh, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy “chính sách sinh ba con” và khuyến khích kết hôn sinh con đã trở thành một chuyện lớn của quốc gia. Số liệu thống kê chính thức mới nhất cho thấy, loại trừ yếu tố đặc biệt từ sự bùng nổ của dịch COVID-19 vào đầu năm ngoái, số lượng các cuộc hôn nhân ở Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 2 triệu cặp trong quý 3, mức thấp kỷ lục với chỉ 1,72 triệu cặp kết hôn.
Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng những con số phản ánh rằng thế hệ trẻ không mấy tin tưởng vào chính sách khuyến khích sinh con. Để không phải chịu chi phí quá lớn cho việc lập gia đình, họ thà lựa chọn tiếp tục làm “quang côn”. Mặt khác, những người trẻ tuổi ở Trung Quốc có mức độ sẵn sàng kết hôn đặc biệt thấp, nhưng tỷ lệ ly hôn lại rất cao.
Hồi tháng 8 năm nay, các số liệu của cơ quan Dân chính Trung Quốc cho thấy, tổng số người thuộc thế hệ “9X” (sinh trong thập niên 1990) ở Trung Quốc hiện là khoảng 170 triệu, với tỷ lệ nam và nữ là khoảng 54:46; trong khi số người “9X” đăng ký kết hôn không quá 10 triệu người, tỷ lệ kết hôn chỉ khoảng 10%, trong khi tỷ lệ ly hôn cao tới 35%.
Ngoài ra, nghèo đói cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến số lượng “quang côn” nhiều. Theo “Báo cáo khảo sát tình trạng nơi làm việc của phụ nữ Trung Quốc năm 2021” do trang mạng Zhaopin.com chuyên về tuyển chọn nhân sự ở Bắc Kinh phát hành, 64,1% số phụ nữ khi được hỏi về lý do không có kế hoạch kết hôn, đã cho rằng "kết hôn không phải là lựa chọn cần thiết", tiếp theo là 43,5% là “Lo ngại chất lượng cuộc sống bị hạ thấp do kết hôn”. Đối với nam giới, “điều kiện kinh tế không cho phép” là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 53,6%.
Nông thôn là nơi tập trung số lượng lớn đàn ông ế vợ |
Làng Lão Áp ở vùng quê hẻo lánh của tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc là một “Quang côn thôn”(Làng trai ế) được nhiều người biết đến. Trong một cuộc khảo sát năm 2014, trong tổng số 1.600 người dân của làng này có tới 112 người đàn ông trong độ tuổi từ 30 đến 55 được đăng ký là người sống độc thân. Tỷ lệ này là cực kỳ cao.
Ông Hùng Cát Căn (Xiong Jigen), một người dân địa phương nói rằng ông biết rằng có hơn 100 người đàn ông trong làng vẫn chưa lập gia đình. “Tôi không thể tìm được vợ. Phụ nữ trong làng đã đi làm ăn ở nơi khác, làm sao tôi có thể tìm được người lấy mình”. Rồi ông nhắc đến đường sá: “Giao thông ở đây khó khăn quá, nếu trời mưa là chúng tôi không thể qua sông. Nhiều phụ nữ không muốn sống ở một nơi như thế này”.
Một bài báo trên trang mạng “Red Net” của Sina Finance and Economics, với tựa đề “Dự án chăn ga gối đệm cho đàn ông lớn tuổi là rất cần thiết”, đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet. Bài báo viết: “Ở nông thôn, nhiều đàn ông lớn tuổi không thể lấy được vợ, thậm chí một số làng đã trở thành “làng đàn ông độc thân”. Việc nhiều đàn ông lớn tuổi phải độc thân là một vấn đề xã hội lớn. Những nguyên nhân chính dẫn đến việc khó lấy vợ bao gồm: mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, chi phí kết hôn quá cao và phụ nữ ngại sống trong cảnh nghèo đói”.
Trước những ý kiến bày tỏ lo ngại về tình trạng đàn ông độc thân ngày càng tăng trở thành vấn đề xã hội lớn, ông Phó Lăng Huy, Người phát ngôn của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc mới đây đã lên tiếng giải thích “trong độ tuổi kết hôn chính từ 20 đến 40, nam chỉ nhiều hơn nữ là 17 triệu chứ không phải hơn 30 triệu và tương lai mức chênh lệch trong tỷ lệ giới tính cũng đang dần được cải thiện”.