Ngày ấy, đâu rồi ?

Ngày ấy, đâu rồi ?
TP - Những dòng tâm sự, sẻ chia của một bà mẹ, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, người đã sinh thành cho đất nước một tài năng toán học tầm cỡ thế giới - GS Ngô Bảo Châu - vào đúng dịp 20-11 về sự học, về tình nghĩa thầy trò cao cả, về lẽ sống ở đời giúp chúng ta hiểu hơn về cái nôi đã nuôi dưỡng lên một Ngô Bảo Châu, một giải Fields danh giá như thế nào.

> Về nước học toán với GS Ngô Bảo Châu
> Giáo sư Ngô Bảo Châu: Sách giáo khoa Toán không có lỗi

> Mẹ GS Ngô Bảo Châu nói về người thầy

Suốt trong những năm tháng chiến tranh, khi đất nước còn nghèo khó, rồi cả thời bao cấp sau này, nền giáo dục nước nhà dưới con mắt của người mẹ này lại dường như có quá nhiều điều trong sáng và tích cực. Cả hai mẹ con đều thành đạt nhờ những người thầy giỏi, tận tâm mà cao cả.

Thời của bà cũng như của GS Ngô Bảo Châu, giáo dục nước nhà đâu có hội chứng, có vấn nạn dạy thêm, học thêm nhức nhối như bây giờ.

Thời đó, chỉ cần có học trò giỏi đã là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người thầy. “Hồi ấy chẳng ai nghĩ đến việc có thêm thu nhập. Các thầy đến tận nhà dạy Châu mà không bao giờ nhận lại chút đền đáp vật chất dù chỉ gói chè” - bà viết.

Thời đó, đâu có bệnh thành tích trong giáo dục, đâu có bắc thang trèo tường ném phao ào ào, công khai quay cóp trong thi cử, đâu có đỗ tốt nghiệp cấp 3 những 99%.

Thời đó, cũng không thể có tới 80-90% học sinh xếp loại học lực giỏi như bây giờ, mỗi lớp quá lắm cũng chỉ dăm ba người đạt loại giỏi.

Thời đó, thi đỗ đại học là niềm tự hào của cả làng, cả huyện, mỗi lớp cũng chỉ có vài ba người thật xuất sắc thi đỗ (trừ các lớp chuyên toán, chuyên văn cấp tỉnh, thành thường có tỷ lệ đậu đại học hoặc đủ điểm đi học nước ngoài đạt 100%).

Thời đó, lứa học sinh như chúng tôi những năm 70-80 của thế kỷ trước, dẫu nghèo nàn về cơ sở vật chất trường lớp, về cái ăn, cái mặc, song bù lại được học hành, vui chơi một cách hết sức thoải mái mà không hề phải chịu bất cứ một áp lực nào.

Không phải đi học thêm, nếu học kém có phụ đạo, còn nếu có năng khiếu về văn hay toán, sẽ được vào trường chuyên, được các thầy dạy giỏi nhất trực tiếp kèm cặp... miễn phí.

Thời ấy, học trò đâu chỉ có học chữ mà còn được học cách làm người, được thầy “gieo vào những con tim tươi trẻ một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống” - PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền viết.

Vẫn biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Vẫn biết, nền giáo dục nước nhà thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn đáng ghi nhận bên cạnh những bất cập, khó khăn trước mắt.

Nhưng đọc những dòng tự sự quá đỗi nhân văn của người mẹ GS Ngô Bảo Châu, hẳn không ít người trong chúng ta phải thốt lên: Ngày ấy, đâu rồi ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG