Theo dự kiến chương trình được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/2, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ được diễn ra từ 21/3 đến 9/4. Do thời gian eo hẹp, nhiều dự án Luật lại chưa được phía Chính phủ gửi sang để thẩm tra, nên nhiều ý kiến băn khoăn lo ngại về chất lượng của kỳ họp 11 tới.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, mặc dù đây là kỳ họp chủ yếu tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, nhưng khối lượng các dự án luật trình Quốc hội "tương đối nhiều".
Đối với 7 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 dự án luật tại phiên họp thứ 44, trong đó có 3 dự án luật được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; 3 dự án luật còn lại vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp này.
Do thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2016 chưa nhiều nên tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ tập trung xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, quyết định các kế hoạch liên quan đến kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020.
Đối với dự án Luật Biểu tình theo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tại phiên họp thứ 46 (tháng 3/2016). Cụ thể, theo dự kiến ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Biểu tình. Tiếp đó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Biểu tình. Sau đó Quốc hội sẽ dành một buổi để thảo luận ở tổ về dự án Luật Biểu tình.
Thảo luận về chương trình kỳ họp dự kiến, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn do nhiều dự án trong kế hoạch được chuẩn bị rất cập rập. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị phải hết sức cân nhắc vì như dự án Luật Biểu tình đến nay vẫn chưa nhận được dự thảo phía Chính phủ gửi sang để thẩm tra trước khi trình Quốc hội.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng phải trình dự án Luật Biểu tình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 11, bởi Bộ Chính trị đã cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đồng tình với phương án này.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Tổng thư ký Quốc hội cần phải gửi công văn sang Chính phủ, xem dự án luật thế nào, bao giờ gửi sang để các ban thẩm tra? Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ gửi văn bản sang Chính phủ về việc này.