Ngày 10 và 11/8, tại xã Đông Minh, PV ghi nhận hình ảnh các khu đầm bãi nuôi ngao vẫn bị nhuộm trắng màu của vỏ ngao chết, dù thời điểm ngao bắt đầu chết từ ngày 7/8, người dân đã tiến hành đi nhặt, thu gom vỏ ngao để làm sạch môi tường, hòng cứu vãn lớp ngao còn sống trong lớp cát phía dưới.
Thời điểm đi nhặt vỏ ngao của người dân vùng nuôi ngao phụ thuộc vào thuỷ triều, chủ yếu diễn ra từ 8 giờ tối đến khoảng 4 - 5 giờ sáng ngày hôm sau, khi triều rút.
Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, hiện chưa có thống kê chính xác về con số thiệt hại trong lần ngao chết này, nhưng trong tổng số 1.900 ha nuôi ngao toàn huyện thì đến sáng 10/3 xác định được diện tích xuất hiện ngao chết khoảng 530 ha và chủ yếu xảy ra ở 2 xã có diện tích nuôi ngao lớn nhất huyện là Đông Minh và Nam Thịnh (2 xã này có tổng diện tích nuôi ngao đạt trên 1.500 ha, trong đó Đông Minh ngao chết ở 400 ha, Đông Thịnh ngao chết ở 130 ha). Hiện nay trên địa bàn, diện tích ngao chết chủ yếu là nuôi ngao giống, với mật độ nuôi từ 1000 đến 1.500 con/m2.
Ghi nhận của PV cho thấy ở các khu vực ngao chết, thiệt hại của nhiều hộ nuôi ngao đã lên tới hàng tỉ đồng. Ông Đinh Hữu Dinh (xóm 5, thôn Minh Châu, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) cho biết, ông có hơn 2 ha nuôi ngao, rà soát cho thấy tổng lượng ngao chết đã chiếm 70%, thiệt hại gần 1 tỉ đồng. "Xót xa vì mất của, nhưng các chủ đầm vẫn phải thuê người nhặt vỏ, xác ngao càng sớm càng tốt để bảo vệ đầm. Công nhặt vỏ ngao vì làm đêm lên tăng đến 300.000 đồng/buổi. Nhiều đầm chết ngao đến nỗi thuê người nhặt cũng khó khăn", ông Dinh nói.
Nhiều hộ dân ở Đông Minh cho biết, thiệt hại của gia đình mình đã lên tới tiền tỉ.
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải xác nhận ở các diện tích ngao chết, thiệt hại cao nhất đạt 70% giá trị, thiệt hại thấp khoảng 30-40% giá trị. Với mỗi ha ngao đạt giá trị khoảng 400-500 triệu đồng, tổng thiệt hại của đợt ngao chết này đối với Tiền Hải lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Về nguyên nhân làm ngao chết, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải cho biết hiện Chi cục Thuỷ sản Thái Bình đang xét nghiệm mẫu để kết luận. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy lần này ngao chết do sốc nhiệt. "Rà soát cho thấy không có yếu tố ô nhiễm từ nguồn nước. Sau bão số 3 trời liên tục nắng, cộng với triều rút, chỉ đạt 3 con nước vào ngày 7,8,9/8. Nước không vào được các đầm ngao nên ngao ở các bãi cao bị phơi nắng, nóng lên chết. Ngao ở các bãi trung dù có nước nhưng nhiệt độ nước tăng cao nên cũng bị sốc, chết. Hiện tượng này do thời tiết gây ra nên rất khó có phương án cứu vãn", vị trưởng phòng này nhận định.
Hiện huyện Tiền Hải đang chỉ đạo các vùng nuôi ngao khẩn trương thu gom xác ngao chết, tiến hành vệ sinh đầm bãi để cứu lớp ngao còn lại phía dưới, đặc biệt là để triển khai tiếp vụ nuôi ngao sau.
Dưới đây là một số hình ảnh về đợt ngao chết hàng loạt tại Tiền Hải:
Theo thông tin từ UBND huyện Tiền Hải, huyện này cùng với huyện Giao Thuỷ của tỉnh Nam Định là 2 địa phương trọng điểm nuôi ngao của miền Bắc, thường được gọi dưới cái tên "vựa ngao" vì đặc thù có bờ biển trải dài, nhiều cồn bãi, địa hình và thời tiết phù hợp phát triển con ngao. Tiền Hải có tổng số 1.900 ha diện tích nuôi ngao, tập trung chủ yếu ở 2 xã Đông Minh và Nam Thịnh với diện tích khoảng 1.500 ha. Ước tính sản lượng ngao bình quân hàng năm của Tiền Hải đạt 50- 60 nghìn tấn, giá trị nuôi trồng đạt hàng nghìn tỉ đồng, đem lại công việc, thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương.