Ngành xuất khẩu 13 tỷ USD: Cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp

Các hiệp hội ngành gỗ trong nước cùng cam kết không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp, tăng sử dụng nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước
Các hiệp hội ngành gỗ trong nước cùng cam kết không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp, tăng sử dụng nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước
TPO - Các hiệp hội ngành gỗ Việt Nam đã ký cam kết thúc đẩy ngành gỗ phát triển theo hướng bền vững, trong đó không sử dụng gỗ bất hợp pháp, tăng sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, đồng thời lập “Quỹ vì một Việt Nam xanh” để hỗ trợ

Chiều 9/11, tại chương trình gặp gỡ “Ngành gỗ vì một Việt Nam xanh”, 9 hiệp hội, hội, chi hội ngành gỗ trong nước đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng có trách nhiệm và bền vững trong tương lai.

Các hiệp hội gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Thanh Hóa (THVIFORES), Chi hội Gỗ dán, Chi hội Dăm gỗ.

Cụ thể, các hiệp hội cam kết tuân thủ nghiêm pháp luật của nhà nước để đảm bảo toàn bộ các hoạt động trong các khâu nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến gỗ là hợp pháp.

Các hiệp hội ủng hộ Chính phủ trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ nhiệt đới từ các nước lân cận và từ châu Phi.

Tất cả thành viên của các hiệp hội tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần của Nghị định quy định đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS); tuyệt đối không sử dụng gỗ nhiệt đới, đặc biệt từ nguồn châu Phi, Lào và Campuchia để làm các sản phẩm xuất khẩu.

Các hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp thành viên sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng, và gỗ nhập khẩu từ vùng địa lý tích cực và loài không rủi ro... Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi gian lận thương mại và đầu tư trong ngành.

Gỗ là một trong những ngành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, dự kiến 2020 có thể cán đích 13 tỷ USD, vượt chỉ tiêu khoảng 1 tỷ USD so với kế hoạch của Chính phủ yêu cầu trong năm nay.

Chia sẻ tại buổi ký kết, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhắc lại những thiệt hại đau lòng do bão, lũ ở miền Trung và cho rằng, “hậu quả này là kết quả của việc loài người chúng ta ứng xử với thiên nhiên”.

Ông cũng nhắc đến vấn đề “nóng” tại nghị trường Quốc hội và trên nhiều diễn đàn tranh luận luận về nguyên nhân gây ra lũ lụt, lở đất như: do thủy điện, chuyển đổi rừng sang cây công nghiệp, gỗ lậu, phát triển rừng trồng, quản lý lâm nghiệp chưa hiệu quả…

“Chia sẻ với bàn con vùng lũ, các hiệp hội của chúng ta cũng đã và sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn cứu trợ tại các tỉnh miền Trung”, ông Lập nói và cho rằng “không thể cứ mãi khắc phục các hậu quả bão lũ bằng lòng tốt”.

Ngành xuất khẩu 13 tỷ USD: Cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp ảnh 1 Các hiệp hội, chi hội ngành gỗ đã chung tay lập “Quỹ Vì một Việt Nam Xanh” để triển khai các hoạt động đề ra trong cam kết  phát triển ngành lâm nghiệp có trách nhiệm, bền vững

 Theo Chủ tịch VIFOREST, điều chúng ta cần làm là thay đổi cách ứng xử của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành nói riêng và toàn xã hội nói chung, với thiên nhiên, đặc biệt với tài nguyên rừng tại Việt Nam hiện nay.

Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam hiện có 14,6 triệu ha đất rừng, độ che phủ gần 42%. Độ che phủ tiếp tục tăng, chủ yếu là do mở rộng diện tích rừng trồng. Tuy nhiên, chất lượng của rừng tự nhiên vẫn tiếp tục giảm. Trong các diện tích rừng hiện tại của Việt Nam chỉ có 15% là giàu về trữ lượng, trong khi có tới 35% trong tổng số diện tích là rừng nghèo kiệt.

“Hình ảnh nhiều cây gỗ được trôi theo dòng nước lũ và phủ kín trên mặt các hồ, sông suối là những gì mà chúng ta thấy trên báo chí, ti vi…Bão lũ làm lộ thiên thực trạng rằng rừng tự nhiên của Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị “rỗng ruột hóa”, ông Lập nói.

Theo ông Lập cũng khẳng định, hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội không phải là nguyên nhân gây ra mất rừng và suy thoái rừng. Bởi, sản phẩm của sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp.

“Chúng ta không trực tiếp là những người gây ra các hậu quả tiêu cực về lũ lụt, lở đất. Tuy nhiên, chúng ta có vai trò gián tiếp”, ông Lập nói.

Bởi theo ông, hàng năm, nguồn gỗ tự nhiên, bao gồm cả nguồn gỗ khai thác lậu và gỗ nhập khẩu rủi ro cao vẫn được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, bao gồm các loại gỗ quý vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ những người lắm tiền nhiều của, những người muốn phô trương.

Chủ tịch VIFORES cho rằng, chúng ta ngồi đây chưa dành mối quan tâm thích đáng cho thị trường nội địa, chưa thực sự quan tâm tới nguồn tài nguyên rừng trong nước, đặc biệt là các diện tích rừng tự nhiên còn sót lại.

“Chúng ta bỏ qua sự mất mát to lớn của nguồn đa dạng sinh học. Chúng ta cũng chưa có sự đồng cảm sâu sắc với các cộng đồng đồng bào dân tộc sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng. Và điều này đã và đang tiếp tục làm cho hình ảnh của ngành gỗ chúng ta trở nên xấu xí trong mắt nhiều người dân”, ông Lập chia sẻ.

Cho rằng, các doanh nghiệp, hiệp hội có một phần trách nhiệm tạo ra hình ảnh trên, nên ông Lập kêu gọi: “Để thay đổi các doanh nghiệp trong ngành cần đồng lòng hỗ trợ xây dựng một ngành gỗ có trách nhiệm, một ngành lâm nghiệp bền vững”.

Các hiệp hội, chi hội ngành gỗ đã chung tay lập “Quỹ Vì một Việt Nam Xanh” để triển khai các hoạt động đề ra trong cam kết.

Mục tiêu của Quỹ là thay đổi nhận thức xã hội về ngành theo hướng bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế.

Các mảng hoạt động ưu tiên của Quỹ bao gồm các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học. Thông qua đó, quỹ sẽ hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng…

Quỹ sẽ ra mắt chính thức vào ngày 1/12/2020 trong lễ kỷ niệm 75 thành lập ngành Lâm nghiệp được tổ chức tại Nghệ An. Tại sự kiện ra mắt, Quỹ sẽ giới thiệu dự án trồng rừng đồng hành cùng Dự án “Rừng Việt Nam”.

MỚI - NÓNG