Dự án điện mặt trời lấn 247,7 ha rừng tự nhiên: Chủ doanh nghiệp “đòi” tỉnh khen

Một dự án điện mặt trời tại Đắk Lắk
Một dự án điện mặt trời tại Đắk Lắk
TP - Giám đốc Cty lập dự án điện mặt trời trên 247,7 ha rừng tự nhiên cho rằng, tỉnh Đắk Lắk phải khen thưởng cho ông vì có công khám phá, nghiên cứu làm các thủ tục, thiết kế đưa ra quy hoạch có lợi cho tỉnh. Theo đó, nếu dự án được duyệt, chỉ 500MW cũng đem về cho tỉnh ngàn tỷ đồng tiền ngân sách/năm.

Dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã nêu rõ do có đất rừng tự nhiên nên  không đưa 2 nhà máy điện mặt trời (ĐMT) vào quy hoạch điện quốc gia (cụ thể ngày 7/10/2020, bằng Công văn số 9056 trả lời đề xuất của Sở Công Thương), nhưng Cty lập dự án (Cty CP Năng lượng Tân Việt Bắc Ban Mê, viết tắt là Cty Tân Việt Bắc-PV) phản ứng một cách kỳ lạ sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Cảnh báo đổi rừng tự nhiên lấy điện mặt trời” ngày 27/10.

Ngay trong báo cáo do Sở Công Thương gửi UBND tỉnh cũng thể hiện 2 dự án trên có đất rừng, đất phát triển rừng, thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và đất quốc phòng (Đơn cử, nhà máy ĐMT Ia Lơi dự kiến sử dụng 957 ha đất, trong đó 247,7 ha đất có rừng tự nhiên, 58,3 ha đất rừng trồng cao su, đất chưa có rừng 651 ha). Những dự án này chưa phù hợp với chủ trương của tỉnh (tại Công văn số 8787/UBND-TH ngày 29/9/2020 về chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án); không đề xuất nghiên cứu lập hồ sơ lập dự án những khu đất có rừng tự nhiên, rừng trồng, đất bị lấn chiếm, đất quốc phòng an ninh, đất tranh chấp, đất đã bố trí cho các dự án khác. Chính vì thế UBND tỉnh không đưa 2 dự án do Cty Tân Việt Bắc lập vào quy hoạch điện lưới quốc gia trình trung ương và yêu cầu Sở Công Thương xem xét lại. Thế nhưng, ngày 27/10, đến tận Văn phòng đại diện Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (cũng là doanh nghiệp lập dự án) cùng 3 cộng sự cho rằng, chưa nhận được văn bản phản hồi của tỉnh Đắk Lắk và có những phát ngôn lạ lùng.

Theo đó, vị này lý giải về việc Cty lập dự án trên đất rừng tự nhiên, rừng trồng… do nhầm lẫn trong quá trình khảo sát. Khi phát hiện, doanh nghiệp đã chủ động làm văn bản đề nghị tỉnh loại 247,7 ha đất rừng tự nhiên ra khỏi dự án. “Ea Súp mang tiếng là đất có rừng nhưng thực tế rừng còn đâu, trồng cao su cũng không sống, khác gì đất trống”, vị này nói.

Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Cty Tân Việt Bắc cho biết, sẽ báo cáo chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về văn bản gửi báo Tiền Phong. “Doanh nghiệp bây giờ khổ lắm phải quỵ lụy chính quyền để được làm việc có lợi cho dân. Chủ doanh nghiệp đâu phải thiếu tiền; làm vì đam mê chứ không phải tiền. Một doanh nhân làm việc bằng cả vạn người...”, ông Bắc nói.

Ông Bắc còn nói: “Cty chỉ là đơn vị khảo sát, lập dự án để tỉnh trình Bộ Công Thương. Tôi đã chấp nhận hy sinh bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn làm quy hoạch cho tỉnh mà không kêu ca”.

MỚI - NÓNG