Thiệt hại nặng vì mưa lũ:

Ngành than xin giảm, giãn nộp thuế

Mưa lũ ảnh hưởng nghiêm trọng kế hoạch sản xuất của ngành than. Ảnh: Như Ý.
Mưa lũ ảnh hưởng nghiêm trọng kế hoạch sản xuất của ngành than. Ảnh: Như Ý.
TP - Chiều 6/8, tại cuộc họp với các tập đoàn về khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Ninh, lãnh đạo TKV và Bộ Công Thương cho biết, thiệt hại do mưa lũ không chỉ làm ngành than tổn thất hơn 1.200 tỷ đồng mà sẽ kéo lùi tăng trưởng GDP cả nước tới 0,05%. Ngành than đề nghị Chính phủ hỗ trợ nhiều chính sách phục hồi sản xuất.

Xin không tăng thuế trong 3 năm

Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV), ông Đặng Thanh Hải cho biết, do bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ kéo dài trên địa bàn Quảng Ninh, lợi nhuận toàn Tập đoàn dự kiến đạt khoảng 500 tỷ đồng. Tổng doanh thu của tập đoàn ước giảm khoảng 109.491 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch đầu năm, trong đó doanh thu sản xuất than 52.715 tỷ đồng.

Nhằm khắc phục những hậu quả nặng nề của mưa lũ, TKV đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép triển khai một số dự án cấp bách về môi trường, phòng chống mưa bão như kè đập chắn đất đá, cải tạo các bãi thải nạo vét sông suối... theo cơ chế chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện. 

Cùng đó, để đảm bảo cân đối tài chính, lãnh đạo Tập đoàn Than, Khoáng sản cũng đề nghị cho Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết một số vấn đề liên quan các loại thuế, phí. Cụ thể, đề nghị giảm thuế suất thuế tài nguyên đối với sản phẩm than về mức 5% đối với than hầm lò và 7% đối với than lộ thiên (bằng mức thuế năm 2013) từ 1/7/2015 đến hết năm 2016.

Ngành than cũng đề nghị gia hạn nộp thuế hai năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với công ty mẹ tập đoàn và các công ty con bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh vì mưa lũ. “Đề nghị xem xét miễn tiền chậm nộp thuế đối với Cty mẹ tập đoàn và các công ty con của TKV tính trên số tiền thuế còn nợ tại thời điểm xảy ra thiên tai. Không tăng các loại thuế, phí đối với ngành than trong 3 năm tới”, ông Hải đề xuất.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành than đề nghị Chính phủ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và để lại lợi nhuận sau thuế để tập đoàn ổn định sản xuất và đầu tư phát triển, chuẩn bị than cho nền kinh tế đang tăng cao, cho phép TKV hạch toán tiền hỗ trợ, đền bù di chuyển dân khỏi các khu vực nguy hiểm do khai thác than vào giá thành sản xuất.

Xem xét tăng khai thác dầu, xuất khẩu

Đánh giá về những thiệt hại của ngành than đối với tăng trưởng của nền kinh tế, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, theo tính toán, do ảnh hưởng của mưa lũ, sản xuất than sản xuất và tiêu thụ than năm 2015 của ngành than dự kiến giảm 1 triệu tấn so với kế hoạch được giao, làm giảm tăng trưởng GDP 0,05%. 

Để tránh ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP cả nước, Bộ đã tính toán, làm việc với các doanh nghiệp ngành công thương tăng xuất khẩu để bù đắp suy giảm của ngành than. “Tính toán cho thấy, ngành dầu khí nếu tăng khai thác thêm từ 0,3 -0,4 triệu tấn dầu sẽ bù đắp được khoản suy giảm này”, ông Vị nói.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tổn thất thực tế của ngành than sẽ cao hơn con số ước tính 1.200 tỷ đồng. Hiện mưa lũ làm gián đoạn sản xuất của hàng loạt công ty gây ảnh hưởng gián tiếp cho 100 ngàn lao động ngành than. 

Dù bị thiệt hại nặng nhưng ngành than phải đảm bảo cấp đủ than cho sản xuất điện và các ngành kinh tế khác. Việc cấp than ưu tiên trước hết cho sản xuất điện, phân bón, xây dựng rồi mới đến các hộ dân dụng khác và ưu tiên cấp cho các đơn vị từ xa đến gần.

“Thiệt hại của ngành than với ước tính làm giảm 0,05% GDP sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của năm 2015-2016 nên sẽ phải điều chỉnh kế hoạch, rà soát lại các ngành khác. Ngành than phải xem xét lập kho dự trữ ở khu vực Nam Trung Bộ và ĐBSCL để cấp than cho các hộ”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu.

Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cam kết, sẽ đảm bảo tuyệt đối việc cấp than cho các ngành sản xuất trong nước, không để bị thiếu than. “Chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, với Đảng, Chính phủ nếu để xảy ra thiếu than. Với sản xuất điện, thời gian tới chúng tôi sẽ thuê một kho trữ than ở Vĩnh Tân để nếu cần EVN lấy sử dụng. Việc này sẽ giúp ngành điện giảm chi phí vận chuyển, tiết kiệm được giá thành sản xuất”, ông Hải nói.

MỚI - NÓNG