Ngành nghề nào đang thu hút lao động?

Ngành nghề nào đang thu hút lao động?
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2013-2015 đến năm 2020, thị trường lao động cần số lượng rất lớn kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ trình độ cao đẳng và trung cấp.

> 8 nghề lương thấp nhất nước Mỹ
> Giải quyết bài toán chất lượng

Nhóm ngành đang thiếu nhân lực

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm, cho biết: “Không chỉ ở khu vực TP.HCM mà ở đâu cũng vậy, nhân lực thuộc các ngành nghề kỹ thuật, dịch vụ luôn luôn thiếu. Tại TP.HCM, trong năm 2013, nhóm ngành marketing - kinh doanh - bán hàng chiếm 27,08% nhu cầu nhân lực. Kế đó là nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ chiếm 19,92%, công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông chiếm 7,79%...”.

Theo quy hoạch phát triển nhân lực TP.HCM đến năm 2020, TP.HCM ưu tiên phát triển nguồn lao động cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho 4 ngành công nghiệp chủ lực.

Đó là cơ khí chế tạo chính xác - tự động hóa, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế và hóa chất - hóa dược - mỹ phẩm. Trong đó, tổng số nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm là khoảng 270.000 thì các nhóm này chiếm 17%, khoảng 45.900 lao động.

Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, nhóm ngành công nghệ thông tin ở đây gồm những chuyên ngành có tính “thời thượng” như thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện, lập trình… thì nhu cầu mới cao và mức lương mới hấp dẫn.

Còn lại, có 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm cũng ưu tiên nhân lực, trong đó có du lịch, giáo dục, y tế - chăm sóc sức khỏe… Điều đáng nói là nhóm ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng chỉ chiếm 4% (khoảng 10.800 nhân lực), thấp hơn nhóm ngành du lịch (13.500 nhân lực) và giáo dục (21.600 nhân lực) chứ không còn độ nóng như thời điểm vài năm trước đây.

Cần lao động trình độ trung cấp

Sau khi khảo sát doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp bên ngoài, số liệu của trung tâm cho thấy lực lượng lao động cần nhiều nhất là ở trình độ trung cấp 21,52%, CĐ cần 11,21%, ĐH chỉ cần 12,31% và trên ĐH chỉ cần 0,5%.

Thật vậy, nhu cầu tìm việc phân theo trình độ năm 2012 cho thấy, chỉ có 13,31% người tốt nghiệp trung cấp đi xin việc, 27,81% CĐ và có tới 54,88% trình độ ĐH và trên ĐH, trong khi doanh nghiệp lại cần lao động học trung cấp nhiều hơn.

Điều này dẫn đến tình trạng, sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường không có việc làm, trong khi việc làm đòi hỏi trình độ trung cấp nhiều mà lại không có người học.

Cần thay đổi nhận thức

Theo đánh giá từ khảo sát của trung tâm ở 2.080 doanh nghiệp vào quý 4/2012, lương bình quân của người đang làm việc lao động phổ thông, sơ cấp nghề khoảng 2,5 - 2,9 triệu đồng/tháng, nhân viên, chuyên viên kỹ thuật bậc cao có mức lương bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.

“Đó là chưa kể những nghề đặc biệt như hàn, lập trình mobile… thu nhập hằng tháng cao gấp nhiều lần mức lương của một sinh viên tốt nghiệp ĐH đi làm nhân viên bình thường” - ông Trần Anh Tuấn cho hay.

Từ đó, ông Tuấn nhìn nhận, việc một thí sinh có học lực trung bình nhưng không chịu học TCCN, trung cấp nghề trong khi cố thi ĐH lần 2, 3 hoặc học nguyện vọng bổ sung để rồi ra trường rất khó xin việc, là một nhận thức lệch lạc cần thay đổi.

Theo Mỹ Quyên
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG