Ngành học về kinh tế vẫn xếp đầu

Ngành học về kinh tế vẫn xếp đầu
TP - Từ nhiều mùa tuyển sinh các năm qua, những ngành thuộc khối kinh tế như tài chính- ngân hàng, quản trị kinh doanh... là những ngành học được nhiều thí sinh (TS) chú ý nhất.

> Sắp có cẩm nang tuyển sinh năm 2012

Nhiều thí sinh có học lực khá giỏi đã chọn thi vào các ngành này, vì thế mà điểm chuẩn của các ngành này thường ở mức cao.

GS.TS Võ Văn Tới, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) tư vấn cho học sinh THPT sáng ngày 4-3 tại Ngày hội thông tin tuyển sinh 2012 do trường tổ chức. Ảnh: Quang Phương
GS.TS Võ Văn Tới, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) tư vấn cho học sinh THPT sáng ngày 4-3 tại Ngày hội thông tin tuyển sinh 2012 do trường tổ chức. Ảnh: Quang Phương.
 

Ngành kinh tế vẫn hút thí sinh

Xem lại bức tranh tuyển sinh năm 2011, dễ nhận thấy có sự phân hóa khá rõ nét trong xu hướng chọn ngành của TS và khối ngành kinh tế vẫn đang hút thí sinh.

Trong năm 2011, trường ĐH Kinh tế TPHCM với gần 23.000 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), trong khi đó chỉ tiêu của trường này chỉ 4.500 chỉ tiêu. Mặc dù, năm vừa rồi, số thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi không nhiều như các năm trước nhưng điểm chuẩn của trường này vẫn không hề giảm so với năm 2010 (vẫn 19 điểm).

Trường ĐH Tài chính - Marketing hệ ĐH năm 2011 thu hút hơn 26.000 hồ sơ dự thi và điểm chuẩn vào các ngành của trường vẫn ở mức tương đương các năm trước là từ 16 điểm đến 17,5 điểm.

Ở Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) với 9.264 hồ sơ ĐKDT vào trường. Trong đó, ba ngành có số hồ sơ ĐKDT nhiều nhất trường vẫn là các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế là kế toán - kiểm toán (1.474 hồ sơ), kinh tế đối ngoại (1.433 hồ sơ) và quản trị kinh doanh (1.329 hồ sơ).

Tại trường ĐH Tôn Đức Thắng, những ngành thuộc khối kinh tế vẫn hút hồ sơ nhất: Kế toán: 2.386 hồ sơ (HS), Quản trị kinh doanh nhà hàng - khách sạn: 2.895HS, Quản trị kinh doanh: 2.997HS, Tài chính ngân hàng: 4.987HS. Chính từ lượng hồ sơ ĐKDT nhiều nên đã đẩy điểm chuẩn của các ngành này lên mức 16 đến 17 điểm, trong khi mặt bằng chung của các ngành khác chỉ ở mức điểm sàn.

Ở phía Bắc, trường ĐH Kinh tế quốc dân thu hút khoảng 24.300 hồ sơ ĐKDT. Đi kèm với lượng hồ sơ nhiều như vậy là mức điểm chuẩn khá cao như: kinh tế đầu tư: 24,5 điểm; Các chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh, điểm chuẩn từ 21 đến 22,5 điểm; Các chuyên ngành của ngành ngân hàng - tài chính, điểm chuẩn từ 24,5 đến 25,5 điểm…

Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội dù chỉ tiêu năm 2011 chỉ 5.500 nhưng lượng hồ sơ ĐKDT lên tới hơn 29.000. Điểm chuẩn các ngành của trường cũng khá cao, từ 21 đến 23 điểm…

Y dược vẫn đáng gờm

Thực tế, từ các mùa thi tuyển sinh cho thấy các ngành học thuộc lĩnh vực y dược vẫn luôn hút thí sinh, điểm chuẩn đầu vào hằng năm khá cao. Con số hơn 27.000 TS đăng ký dự thi để cạnh tranh tìm một trong 1.600 chỗ học tại Trường ĐH Y dược TPHCM quả là một thực tế khiến thí sinh phải suy nghĩ.

Nhiều TS muốn bước chân vào ngành y dược và ước mơ sẽ trở thành bác sĩ đa khoa nhưng “sức mình có hạn” đã chọn một số ngành khác như điều dưỡng, bác sĩ y học dự phòng hay xét nghiệm. Tuy nhiên, một vài năm gần đây thì những ngành này lại có khá nhiều thí sinh đăng ký.

Năm vừa qua, ngành điều dưỡng Trường ĐH Y Dược TPHCM dù chỉ tiêu chỉ 120 nhưng có tới 3.612 hồ sơ đăng ký dự thi. Trong khi đó, ngành bác sĩ y học dự phòng chỉ tiêu 100 nhưng có hơn 1.100 hồ sơ đăng ký, ngành xét nghiệm chỉ 60 chỉ tiêu nhưng có tới 1.367 hồ sơ đăng ký dự thi.

Ở Khoa Y thuộc ĐH Quốc gia TPHCM dù chỉ tiêu chỉ 100 nhưng lượng hồ sơ cũng lên tới 1.799 hồ sơ. Điều này đã đẩy điểm chuẩn của khoa lên tới 23,5 điểm, cao hơn 3 điểm so với năm 2010.

Ở khu vực miền Trung, tỷ lệ “chọi” của trường ĐH Y khoa (ĐH Huế) vượt lên hẳn so với tất cả các trường ĐH thành viên khác. Một số ngành có tỷ lệ chọi khá cao là: Y sĩ đa khoa: 1/87,2; Điều dưỡng 1/33,32; Kỹ thuật y học: 1/22,54…

Các trường như ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Hải Phòng, cũng có tỷ lệ chọi khá cao, từ 1 “chọi” 17 đến 1 “chọi” 20. Tương tự, Trường ĐH Y Hà Nội, tỷ lệ “chọi” cũng khá cao: 1/16.

Khối ngành công nghệ, kỹ thuật mất dần sức hút

Theo số lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm 2011, thì các ngành thuộc khối công nghệ, kỹ thuật đang mất dần sức hút. Tỷ lệ “chọi” các ngành thuộc khối này ở các trường như: ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM… tỷ lệ “chọi” khá nhẹ nhàng như: 1 “chọi” 3, 1 “chọi” 5.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cho biết: Một vài năm trở lại đây các chuyên ngành thuộc khối kỹ thuật, công nghệ ở hầu hết các trường đều rơi vào tình trạng khó tuyển.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.