Ngành Công Thương lo đối phó nhập siêu từ Thái Lan

Người dân mua sắm tại siêu thị Robins (Hà Nội), thành viên của Tập đoàn Central Thái Lan. Ảnh: Như Ý.
Người dân mua sắm tại siêu thị Robins (Hà Nội), thành viên của Tập đoàn Central Thái Lan. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 15/9, Bộ Công Thương tổ chức họp với lãnh đạo nhiều đơn vị liên quan nhằm tìm ra nguyên nhân nhập siêu từ Thái Lan trong thời gian qua, khắc phục tình trạng nhập siêu, hướng tới mục tiêu cân bằng hơn trao đổi thương mại giữa hai nước.

Theo bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi, trong 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD. Trong 36 mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Thái Lan có 22 mặt hàng trong nước sản xuất được. Đáng chú ý, 5 nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2017, góp phần lớn vào giá trị nhập siêu nhiều nhất là hàng điện gia dụng và linh kiện, rau quả, ô tô nguyên chiếc, xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu và linh kiện phụ tùng ô tô.

Theo lãnh đạo Vụ châu Á, châu Phi, nhập siêu tăng mạnh do Thái Lan đã xây dựng được nền công nghiệp chế biến trong nước có năng lực cạnh tranh cao, giá cả tốt. Cùng đó, tâm lý chuộng hàng Thái và lộ trình giảm thuế theo cam kết AGITA đã thúc đẩy nhập khẩu gia tăng mạnh. Để hạn chế nhập khẩu, theo bà Oanh, với nhóm hàng ôtô cần có biện pháp tính thuế, nhóm linh kiện kiểm soát nghiêm việc tiêu thụ hàng giả và xem xét biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu.

Cần cơ chế “tiền kiểm” nhằm  kiểm soát việc tập trung kinh tế quá mức là đề xuất của Phó Cục trưởng Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, ông Nguyễn Anh Tuấn, khi nói về sự gia tăng thị phần của doanh nghiệp (DN) Thái Lan. Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, bên cạnh việc nhập siêu, tại một số thị trường như Vĩnh Phúc, Hà Nội thị phần của DN Thái Lan tương đối lớn (trên 40%). Đáng lưu ý  ban đầu  DN Thái Lan không hiện diện nhưng sau khi mua lại các DN khác thì thị phần họ tại các thị trường này lại tăng lên. (Bộ Công Thương sẽ xây dựng cơ chế “tiền kiểm” để kiểm soát việc này và giám sát chặt khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực).

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Duy Đông cho hay, tại một số chợ đầu mối thời gian qua đã có bóng dáng người Thái đứng sau để điều hành và phân phối hàng hóa.

Về việc hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều hơn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, ở góc độ quản lý, không chỉ nhìn ở việc kiểm soát nhập khẩu bằng mọi giá mà cần nhìn một cách tổng thể, từ năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của DN . Bên cạnh đó, cần nhìn 2 chiều, có thể chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này nhưng xuất siêu mặt hàng khác, vì đây là quy luật của thị trường.

“Không thể như bóng đá, cứ nhìn thấy Thái Lan là thua tiếp, do vậy năng lực cạnh tranh cần được cải thiện. Nhiều dòng thuế đã được giảm từ 2005 nhưng chúng ta chưa tận dụng được và không có giải pháp sẽ bỏ lỡ trong giai đoạn tới”, ông Tuấn Anh nói.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc quản lý hàng hóa nhập khẩu từ các nước và Thái Lan nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả sản phẩm nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy đàm phán để Thái Lan tiếp tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Năm 2016, Việt Nam chi 410 triệu USD nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan các loại rau quả, gồm: đậu hạt, nấm, sầu riêng, dâu tây, chôm chôm, bòng bong, nhãn, măng cụt, mít, me, mận, mơ, xoài, bơ, ổi, chà là, bưởi, cam, dừa, hạt điều... Trong khi đó, Thái Lan chỉ mới cấp phép cho thanh long, vải và nhãn của Việt Nam được chính thức nhập khẩu. 8 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đạt 618 triệu USD.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.