Ngành Công Thương Gia Lai luôn 'mở cửa' đón nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau những đổi mới, cải cách, ngành Công Thương Gia Lai đang tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Để hiểu rõ hơn, PV Tiền Phong đã có buổi phỏng vấn Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai Phạm Văn Binh về kết quả đạt được, cũng như định hướng thời gian tới của ngành.
Ngành Công Thương Gia Lai luôn 'mở cửa' đón nhà đầu tư ảnh 1
Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai Phạm Văn Binh

Được biết, từ năm 2015-2020 ngành Công Thương Gia Lai đã đạt được những kết quả vượt bậc, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này?

Ông Phạm Văn Binh: Nhiệm kỳ 2015-2020 ngành Công Thương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển công nghiệp - thương mại, sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, sản xuất theo chuỗi giá trị và khai thác thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Năm 2020, giá trị sản xuất đạt 22.518 tỷ đồng, gấp 1,48 lần so với năm 2015, tăng bình quân hằng năm 8,2%.

Giai đoạn này, ngành tập trung phát triển công nghiệp nhóm, chuỗi sản phẩm theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng; nhiều nhà máy được xây dựng mới và nâng cấp. Các dự án đầu tư (vốn ngoài ngân sách) không ngừng tăng lên cả về số lượng lẫn quy mô, lĩnh vực đầu tư ngày càng đa dạng, tập trung nhiều vào lĩnh vực chế biến sâu từ các sản phẩm nông nghiệp, khai thác thế mạnh của tỉnh để phát triển điện gió, điện mặt trời. Các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư.

Các dự án tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP Pleiku) hoạt động ổn định và phát triển; kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được quan tâm đầu tư. Các cụm công nghiệp được bố trí kết nối với hệ thống giao thông thuận lợi với Quốc lộ 14, Quốc lộ 19, Quốc lộ 25.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đến năm 2020 đạt 75 nghìn tỷ đồng, gấp 1,97 lần so với năm 2015, bình quân hàng năm đạt 14,57%. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 580 triệu USD, tăng 1,96 lần so với năm 2015, tăng bình quân hằng năm 14,38%.

Cùng với đó là hoạt động xuất khẩu của tỉnh có nhiều khởi sắc do có nhiều yếu tố thuận lợi như việc nhiều nước mở cửa lại thị trường trong điều kiện bình thường mới tại khu vực châu Âu, châu Á. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, sắn lát, tiêu, sản phẩm gỗ… được xuất khẩu sang 40 quốc gia. Một số mặt hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… như cà phê rang xay, hòa tan thương hiệu L’amant, hoa quả đóng hộp, nước ép chanh leo… Giá trị kim ngạch của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng cao (trên 80%), chủ yếu là cà phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình gần 300 triệu USD/năm.

Một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Vậy, ngành Công Thương Gia Lai đã có những cải cách, thay đổi mới ra sao?

Ông Phạm Văn Binh: Gia Lai có ba khu công nghiệp chính là Trà Đa, Nam Pleiku và Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, quy hoạch 23 cụm công nghiệp, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập. 37 dự án công nghiệp chế biến với tổng số vốn đăng ký trên 5,6 nghìn tỷ đồng; 20 dự án nông, lâm nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến với tổng số vốn đăng ký gần 830 tỷ đồng và 15 dự án chăn nuôi để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến với tổng số vốn đăng ký hơn 1,7 nghìn tỷ đồng được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, Sở đã có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, cải cách.

Về quy hoạch, Sở tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia xây dựng quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là các nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại; triển khai các Nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh Gia Lai về công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp năng lượng, phát triển các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Tăng cường hướng dẫn quy trình thực hiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Mới đây, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 377 ngày 13/7/2022 phê duyệt điều chỉnh, Quyết định số 838 ngày 29/11/2021 thành lập hội đồng xét đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, Sở tập trung cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh và cải cách thể chế làm tinh gọn tổ chức, bộ máy hiệu lực, đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến những mục tiêu nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Binh: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này là cơ sở để triển khai thực hiện đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Qua đó, tỉnh phấn đấu năm 2025 có ít nhất 70% số hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi; xây dựng từ 10 mô hình trở lên áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm; có ít nhất 20 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể), trong đó có 1-2 sản phẩm được đăng ký bảo hộ ra nước ngoài; 90% sản phẩm OCOP 3-4 sao được đăng ký nhãn hiệu. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 200 hợp tác xã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, phấn đấu có ít nhất 70% doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp được tập huấn, đào tạo kiến thức về thương mại điện tử.

MỚI - NÓNG