Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng giám đốc, Tổng Cty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) nói không cần xin hỗ trợ bất cứ điều gì, chỉ muốn xin được... giao việc. Tất nhiên là sản phẩm của đơn vị phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, và về giá thành cũng phải cạnh tranh theo giá dự toán của gói thầu. Cũng theo ông Cường, đơn vị đã có nhiều đối tác, trong đó có cả đối tác nước ngoài và có những sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.
Đại diện một số doanh nghiệp mong muốn để có việc làm. Ảnh: MĐ
"Đối với nhà máy nhiệt điện, chúng tôi làm được máy biến áp, hệ thống máy nghiền bi, hệ thống băng tải, hệ thống kết cấu thép… và có rất nhiều đồng nghiệp có thể thiết kế, chế tạo được nhiều thiết bị khác. Chúng tôi sẵn sàng đấu thầu cạnh tranh và rất sòng phẳng với tổng thầu nước ngoài. Bằng chứng là năm 2012, chúng tôi giá trúng gói thầu 135 tỷ đồng, trong khi nếu rơi vào tay nước ngoài sẽ là 155 tỷ" - ông Cường nói.
Tương tự, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khi Quang Trung cho rằng, để có chiến lược phát triển ngành cơ khí thì cần phải thay đổi tư duy, nguồn nhân lực một cách đồng bộ. Không thể mãi sử dụng công nghệ “bình cũ rượu mới” được, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, việc liên kết của chúng ta là rất yếu. Ông Cường nêu ví dụ Tổng Cty Lắp máy (Lilama) khi được Nhà nước giao cho làm tổng thầu (EPC), lẽ ra cần công khai kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí cùng tham gia, như thế ngành cơ khí mới có cơ hội phát triển được.
Tại hội trường Bộ Công thương, ông Nguyễn Trọng Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương cho rằng, để ngành cơ khí phát triển cần được hỗ trợ về nhiều mặt như, mặt bằng, vốn ngân hàng. Nếu không được hỗ trợ doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài...