Chiều 16/12, nhiều hộ dân ở xã Lạc Xuân phản ánh bà Nguyễn Kim Phượng (thường trú thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) nắn dòng con suối chảy qua địa phương, lấn chiếm hành lan an toàn Quốc lộ 27, rồi huy động phương tiện cơ giới chở đất đến đổ, san gạt mặt bằng để xây chợ.
Mấy tháng nay, hàng ngày, rất nhiều người đến mua bán, ảnh hưởng không nhỏ tới việc di chuyển của các phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.
Cũng theo người dân địa phương, sở dĩ bà Phượng có nhiều hành vi bất chấp pháp luật như thế là do các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm.
Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền phong về vấn đề trên, ông Hà Văn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân nói: "Ngày 11/5, UBND xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phượng về hành vi dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào và các công trình tạm thời trái phép khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Mặt khác, UBND xã yêu cầu bà Phượng phải tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục hiện trạng ban đầu, thời hạn khắc phục là 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Thế nhưng hiện đã 7 tháng trôi qua, bà Phượng chỉ nộp tiền phạt (2,5 triệu đồng) mà chưa khắc phục hậu quả".
Trước đó, ngày 14/5/2019, Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng đã xử phạt vi phạm hành chính bà Phượng 11 triệu đồng về hành vi tự ý san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ Km 192+070 (P) Quốc lộ 27; thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép. Thời gian quy định để bà Phượng khôi phục hiện trạng ban đầu là 10 ngày nhưng bà Phượng chỉ nộp phạt mà phớt lờ việc khắc phục hậu quả.
Chưa hết, theo Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Đơn Dương, bà Phượng chỉ được cấp phép xây nhà cấp 4 với diện tích xây dựng tầng 1 là 80 m2, tổng diện tích sàn 152,40 m2. Thế nhưng thực tế diện tích tầng 1 rộng tới 364 m2, trong đó có 130 m2 xây dựng lấn chiếm đất công (lòng suối).
Bà Phượng chỉ được cấp phép làm nhà ở riêng lẻ nông thôn nhưng đang hoạt động kinh doanh: Làm 13 ki ốt và 18 sạp để cho thuê kinh doanh giải khát, hàng tươi sống, rau củ quả, các mặt hàng khô… Hoạt động kinh doanh diễn ra suốt mấy tháng nay nhưng không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chuyên gia xây dựng trên địa bàn cho rằng, việc tự ý mở rộng diện tích gấp nhiều lần (vi phạm chỉ giới xây dựng), thay đổi thiết kế, công năng của công trình, biến nhà ở cấp 4 thành cơ sở kinh doanh với số người mua bán đông đúc như thế liệu có đảm bảo an toàn?