Ngăn nợ, trốn đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi người lao động

0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng chậm, nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động (NLĐ), nhưng việc xử lý vi phạm này không dễ, kể cả với doanh nghiệp đang hoạt động hay đã giải thể, phá sản. Do đó, các bộ ngành đều thống nhất cần triển khai giải pháp mạnh để ngăn tình trạng trên nhằm đảm bảo quyền lợi NLĐ.

Khó với nợ BHXH vắng chủ

Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7 (tại TPHCM) về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021. Tại phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá cao việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Các đại biểu cũng nhận định và phân tích hạn chế, bàn giải pháp khắc phục trong thực hiện chính sách an sinh này.

Các đại biểu cũng cho rằng, tình trạng chậm, nợ, trốn đóng BHXH còn diễn ra khá phổ biến, một phần do doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch COVID-19; phần khác do người sử dụng lao động cố tình chiếm dụng vốn, trong khi có địa phương chưa quan tâm đúng mức tới xử lý tình trạng này. Ngoài ra, một số giải pháp, quy định để xử lý tình trạng trên như khởi kiện, xử lý hình sự đã có quy định nhưng việc triển khai còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt hiệu quả.

Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, vắng chủ nhưng con nợ BHXH ảnh hưởng quyền lợi NLĐ nhưng khó xử lý, chưa có hướng xử lý dứt điểm. Do đó, các đại biểu dự phiên họp cho rằng, cần áp dụng thêm biện pháp để giải quyết tình trạng trên.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua cơ quan này đã chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương để có giải pháp xử lý tình trạng chậm, nợ BHXH, nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ. Trong đó, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với ngành công an để xử lý đơn vị nợ BHXH kéo dài, kể cả đề nghị khởi tố tội trốn đóng, trục lợi BHXH. BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh vận động NLĐ cài và sử dụng ứng dụng VssID để giám sát việc thực hiện đóng BHXH của doanh nghiệp. Định kỳ 6 tháng, cơ quan BHXH công khai danh sách đơn vị chậm đóng, nợ BHXH...

Qua công tác thanh kiểm tra, nhiều NLĐ chưa được đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức đóng đã được phát hiện, yêu cầu chủ sử dụng lao động khắc phục. Kết quả thanh kiểm tra đã có tác động mạnh đến việc phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, tăng thu, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Đặc biệt, từ khi ngành BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, hoạt động thanh tra đã có những chuyển biến tích cực.

Cho ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất, cần giải pháp xử lý phù hợp với các doanh nghiệp phá sản không có khả năng thu hồi nợ BHXH. Với doanh nghiệp chây ỳ dẫn tới nợ BHXH, theo ông Dung, cần phân loại và giao ngành BHXH cùng ngành lao động báo cáo Chính phủ, Uỷ ban Xã hội, Quốc hội xin ý kiến xử lý. Hiện có 2,9 nghìn tỷ đồng nợ BHXH không có khả năng thu hồi (trong đó có hơn 2 nghìn tỷ nợ gốc và khoảng 900 tỷ đồng tiền lãi chậm nộp). Ông Dung đề xuất giải pháp có thể sử dụng kết dư các quỹ BHXH để giải quyết phần nợ không có khả năng thu hồi trên nhằm đảm bảo quyền lợi NLĐ.

Ngăn nợ, trốn đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi người lao động ảnh 1
Ủy ban Xã hội của Quốc hội họp cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021.

Khẳng định vai trò bảo hiểm rủi ro

Năm 2020, 2021, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 tới cuộc sống NLĐ và hoạt động của doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ từ quỹ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó chia sẻ một phần khó khăn của NLĐ và doanh nghiệp, khẳng định vai trò chia sẻ khi rủi ro của BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp.

Tính đến ngày 31/12/2021, BHXH Việt Nam đã tạm dừng đóng quỹ Hưu trí và tử tuất số tiền trên 1,8 nghìn tỷ đồng; Giảm đóng vào quỹ Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp số tiền hơn 1,9 nghìn tỷ đồng; Giảm đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trên 2,1 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi hỗ trợ bằng tiền tới gần 13 triệu NLĐ, với tổng tiền đã chuyển trên 30,8 nghìn tỷ đồng, và hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng để đào tạo lại duy trì việc làm cho gần 1,4 nghìn NLĐ.

Bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, BHXH Việt Nam cũng đảm bảo công tác thường xuyên, như: Tiếp tục gia tăng người tham gia BHXH, tới hết năm vừa qua, đạt trên 15 triệu người tham gia BHXH, tiếp tục tăng so với năm trước đó, và chiếm gần 34% lực lượng lao động trong độ tuổi; đảm bảo chi trả đầy đủ và kịp thời các chế độ cho người thụ hưởng, như hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, chi phí khám chữa bệnh BHYT...

Năm 2021, ngành BHXH đã thực hiện hơn 11,4 nghìn cuộc thanh kiểm tra tại trên 16,7 nghìn đơn vị trong lĩnh vực BHXH. Qua đó đã phát hiện hơn 14 nghìn NLĐ phải tham gia BHXH nhưng chưa tham gia, hoặc đóng thiếu thời gian, với số tiền truy đóng gần 93 tỷ đồng; gần 28 nghìn NLĐ đóng thiếu mức với số tiền truy đóng gần 35 tỷ đồng; các đơn vị khắc phục trên 893 tỷ đồng nợ BHXH; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH sốtiền trên 9,5 tỷ đồng hưởng chế độ BHXH sai quy định.

MỚI - NÓNG
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
TPO - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp treo biển hiệu tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trang sức kim loại màu vàng (vàng nữ trang).