Sửa đổi quy định đánh giá cán bộ, công chức:

Ngăn nể nang, né tránh và hình thức

Theo ông Trương Hải Long, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, sửa đổi quy định về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: BNV.
Theo ông Trương Hải Long, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, sửa đổi quy định về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: BNV.
TP - Thừa nhận việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 56 còn nhiều bất cập, nể nang, né tránh, chưa sát với thực tế, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi quy định trên. Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu sửa đổi quy định để việc đánh giá phân loại bảo đảm khách quan, thực chất, tránh “tất cả đều vui vẻ”.

Còn “dĩ hòa, vi quý”

Chiều 19/12, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức “Tọa đàm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức làm sao cho thực chất?”. Theo quy định của Nghị định 56, việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm là căn cứ quan trọng để quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác.

Tuy nhiên, do còn tình trạng nể nang, né tránh, cộng với quy định chưa sát với thực tiễn, nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả không cao, chưa đủ độ “tin cậy” để tinh giản biên chế, thậm chí còn dẫn đến tình trạng tinh giản biên chế sai đối tượng…

Thừa nhận những bất cập trên, ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ Viên chức, Công chức (Bộ Nội vụ) cho biết, sau hơn một năm thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ theo Nghị định 56, Bộ nhận được nhiều phản ánh khó khăn, bất cập từ các đơn vị trong thực hiện, nhất là quy định: Công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ đều phải có đề tài, sáng kiến được áp dụng và được cấp có thẩm quyền công nhận.

Theo lý giải của ông Long, khi soạn thảo quy định trên, Bộ mong muốn công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, thấy bất cập trong quy trình nghiệp vụ thì có đề xuất sáng kiến để đổi mới. Nhưng khi đi vào thực tế thì thế nào được coi là sáng kiến lại là vấn đề gây tranh cãi, với nhiều ý kiến khác nhau.

“Nếu người đứng đầu mà nể nang, né tránh thì kết quả đánh giá khó mà khách quan. Do đó, tới đây cần phải đề cao vai trò của người đứng đầu, đánh giá thực chất, không được có tư tưởng tất cả đều vui vẻ”. 

Ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ Viên chức, Công chức (Bộ Nội vụ)

Một nguyên nhân khác cũng được ông Long chỉ ra để minh chứng cho việc đánh giá và phân loại cán bộ chưa sát với thực tế là do tâm lý nể nang, sợ ảnh hưởng chung đến đánh giá, phân loại của tập thể, của người đứng đầu các đơn vị. Việc theo dõi cán bộ, công chức, viên chức chưa chặt, mà thường là cuối năm mới ngồi lại đánh giá nên tâm lý “dĩ hòa, vi quý”… khiến việc đánh giá đôi khi còn hình thức.

Ông Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) cũng cho rằng, việc đánh giá, phân loại cán bộ phải trên cơ sở công việc, ai giao việc thì người đó đánh giá. Tuy nhiên, sự nể nang trong nền công vụ của chúng ta còn rất lớn. Thậm chí có đơn vị, lúc đầu đánh giá công chức, viên chức đó thực hiện công việc không tốt, sức khỏe không đảm bảo và xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, khi họp để đưa ra quyết định thì cơ quan “sợ” bị ảnh hưởng, “sếp” cũng sợ bị ảnh hưởng nên cuối cùng “ai cũng hoàn thành nhiệm vụ. “Nền công vụ “thương nhau” đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc đánh giá thực chất cán bộ, công chức. Do đó cần có những quy định để không còn nền công vụ “thương nhau” đó nữa”, ông Can đề xuất.

Sửa đổi quy định để thực chất hơn

Đề cập đến ý kiến nói rằng, 30% công chức không hoàn thành nhiệm vụ khi “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, nhưng lại tiêu tốn đến 17 nghìn tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước, ông Can cho rằng, nếu tính từ báo cáo của các cơ quan nhà nước thì số cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm tỷ lệ 0,5- 0,6%. Nhưng trong nhiều diễn đàn và dư luận xã hội đều nói con số đó chiếm đến 30%. Do đó, nếu quy định rõ về vị trí việc làm thì sẽ tạo ra cơ chế ra ra, vào vào trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Điều này sẽ tạo lực đẩy để đội ngũ công chức, viên chức năng động, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Long cho rằng, việc đưa ra đánh giá “30% công chức, viên chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về là thể hiện mong muốn của cán bộ muốn có đội ngũ công chức năng động, đạt hiệu quả cao, chứ không chỉ dừng lại ở mức hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, hiện các cơ quan nhà nước đang triển khai đồng bộ các biện pháp về tinh giản biên chế, nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đây cũng là mục tiêu lớn để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

“Nếu bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì chắc chắn không được bổ nhiệm cao hơn. Nên chắc chắn không có chuyện công chức không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn được tăng lương, bổ nhiệm”, ông Long cho biết. Ông Can thì đề nghị, trong đánh giá phân loại cán bộ, cần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng o bế, tranh thủ lợi dụng quy trình, làm theo ý của người đứng đầu. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đơn vị mình. Đồng thời việc đánh giá, phân loại đòi hỏi phải có nhiều chủ thể tham gia để đảm bảo khách quan, minh bạch.

Theo ông Long, tất cả những bất cập trên Bộ Nội vụ đã nhận ra. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo Bộ nghiên cứu sửa đổi việc trên. Hiện Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sửa đổi. Theo đó, sẽ nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, phân loại. “Nếu người đứng đầu mà nể nang, né tránh thì kết quả đánh giá khó mà khách quan. Do đó, tới đây cần phải đề cao vai trò của người đứng đầu, đánh giá thực chất, không được có tư tưởng tất cả đều vui vẻ”, ông Long cho biết.

MỚI - NÓNG