Ngàn năm con đường muối

Những bản làng Cơ Tu ẩn mình trong nắng xuân. Ảnh: Nam Cường.
Những bản làng Cơ Tu ẩn mình trong nắng xuân. Ảnh: Nam Cường.
TP - Ðộc đạo lên miền biên viễn xứ Quảng Nam như con rắn trắng khổng lồ uốn mình giữa đại ngàn xanh thẳm, đường Lăng - Axan ở huyện Tây Giang. Là Con đường muối - trầm tích ngàn năm trải dài từ thương cảng Hội An, qua dòng Vu Gia - Thu Bồn trước khi đến với Lào, Campuchia hoặc Thái Lan…

“Từ câu chuyện về những dòng chữ bí ẩn cổ xưa trên vách đá ở thượng nguồn dòng A Vương ở Tây Giang, giáp với nước bạn Lào, có thể khẳng định, sự giao thương buôn bán giữa người Chăm, người Kinh với người Cơ Tu đã có từ ngàn năm trước. Con đường muối là những phiên chợ trong tiềm thức giữa miền ngược với miền xuôi, giữa các tộc người, là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, tương lai…” – nhà nghiên cứu dân tộc Cơ Tu Nguyễn Tri Hùng (Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam), cho biết.

Cõng muối lên rừng

Trong tiềm thức xa xưa, hạt muối chính là nỗi ám ảnh ngàn đời của những tộc người trên núi cao. Muối luôn thiếu và quý hơn vàng. Vì thế, từ thuở khai thiên lập địa ngàn năm trước, hành trình cõng muối lên rừng của giới thương lái đã khá rầm rộ. Muối dùng để trao đổi với những vật phẩm khác của người bản địa.

Nhà của già Avel ở ngay dưới chân núi A Vương, nơi ngã ba khởi nguồn từ con đường lên xã Lăng, giờ đã sầm uất như phố thị. Già làng Alăng Avel kể, tự ngàn xưa, trong tục săn máu của người Cơ Tu, những chiến binh của rừng xanh lấy làm kiêu hãnh, nhưng luật tục cũng không bao giờ cho phép lấy máu thương lái. Ðiều đó minh chứng, buôn bán trao đổi tự ngàn xưa là điều không thể thiếu. Hạt muối không chỉ là hạt muối, mà đó còn là hàng hóa, nhu yếu phẩm, tất tật những vật dụng mà người dưới xuôi đem lên, từ cây kim sợi chỉ, cái hộp quẹt bao diêm để trao đổi, buôn bán với người Cơ Tu.          

Người con ưu tú của Cơ Tu, Bí thư Huyện ủy Bhriu Liếc vẫn thế, gãy gọn khúc chiết, oang oang mến khách. Anh kể, người Cơ Tu xưa không biết đến tiền, chỉ vật đổi vật như tê giác, ngà voi, mật gấu, thổ cẩm, mật ong rừng… để đổi lấy muối và vật phẩm miền xuôi để dùng hoặc gùi qua Lào, Thái Lan đổi những mặt hàng hóa khác lạ để kiếm lời. Con đường muối bắt đầu từ đâu? “Ðó là thương cảng Hội An, trung tâm buôn bán lớn nhất vùng Ðông Nam Á từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX. Thương lái mua hàng hóa Hội An, vận chuyển qua các vùng hạ du Vu Gia, Thu Bồn như Ðiện Bàn, Ðại Lộc… rồi bắt đầu gùi bộ trên những ngã đường mòn vào rừng. Con đường mòn từ khu 7 về xã Lăng ngày nay chính là phát tích thủơ xưa của con đường muối”. Những hàng hóa từ ngàn xưa nay còn sót lại trong các bản làng như chiếc trống đồng Ðông Sơn, hạt mã não, chiêng ché cổ và đặc biệt minh văn cổ xưa ở làng Achia minh chứng điều đó.

Ngàn năm con đường muối ảnh 1

Nhiều bản nằm biệt lập nên việc đi lại rất khó khăn. Ảnh: Nam Cường.

Bhriu Liếc đặt câu hỏi, rồi tự trả lời: “Ngàn năm trước, địa hình hiểm trở, đường sá xa xôi, tứ bề núi non trập trùng. Nhưng sao chiếc trống đồng Ðông Sơn (vừa mới được phát hiện, đang ở phòng văn hóa huyện Tây Giang), là văn hóa Ðông Sơn cách đây mấy ngàn năm, chỉ có ở vùng phía Bắc lại lọt được tận miền núi xứ Quảng? Hạt mã não, chiếc trống đồng…, điều đó lý giải từ xa xưa đã có mối liên hệ về văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc khác nhau. Vì sao một địa hình cực kỳ hiểm trở, bịt bùng không lối vào ra thì những sản vật được cõng lên bằng cách nào? Chỉ con đường muối mới có thể lý giải điều này”.

Trống đồng Ðông Sơn không phải là vật chứng lịch sử duy nhất về sự hiện hữu của con đường muối. Miền biên viễn vẫn còn đó minh văn trên vách đá Samo, chưa phai mờ sau hàng thế kỷ. Men theo dòng A Vương ầm ào mùa lũ, chúng tôi lên thượng nguồn, tận tay sờ vào từng chữ cổ, cảm nhận được như đâu đây, tiếng ngàn năm vọng về. Bhriu Clói, già làng bản Achia (xã Lăng) cho biết, minh văn còn được như ngày hôm nay, người làng đã thường xuyên trông coi cẩn thận. Ðến giờ phút này, sau khi được viên quan ba Jean LePicho (Pháp) phát hiện vào năm 1938, chỉ có vài người say mê văn hóa Chăm, Cơ Tu như Nguyễn Thượng Hỷ mày mò nghiên cứu nội dung chữ cổ trên vách đá. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng tiết lộ, cách đây hơn chục năm, trong một lần đi khảo sát, đoàn của ông còn phát hiện nhiều mộ Chăm cổ, rải rác xung quanh vùng thượng nguồn A Vương ở bản Achia. “Người Chăm cõng muối, vật phẩm lên thượng nguồn đã đi qua đây, có thể là trạm dừng chân của họ. Có người đã chết ở đây”.

Ngàn năm con đường muối ảnh 2

Clâu Blao rất tài hoa.

Kỳ nhân vẽ lại con đường muối

Hơn 10 năm, tôi mới gặp lại Clâu Blao, người đàn ông đặc biệt của núi rừng Tr’Hy (một trong 4 xã vùng cao của huyện Tây Giang, quen gọi là khu 7). Gọi ông đặc biệt là bởi Clâu Blao quá đa tài, từ đàn ca sáo nhị tới thiết kế vẽ nhà, đường, gìn giữ bản sắc dân tộc… chuyện gì ông cũng thông. Dĩ nhiên, chuyện hay nhất của ông vẫn là vạch rừng tìm đường đi cho dân bản. Theo ông, đoạn từ thôn Vòong (trung tâm xã Tr’Hy) xuống xã Lăng, đúng là có một con đường mòn cũ, nhưng rất khó đi và đã bị cây rừng mọc che khuất. Ðây rất có thể là chứng tích của ngàn năm trước về con đường muối. Tuy nhiên, bắt đầu từ Tr’Hy lên các xã Axan, Ch’Ơm, Gary thì tuyệt đối không có đường.

Xuất thân từ anh lính trinh sát kiêm trạm trưởng y tế xã Tr’Hy từ những năm 1960 của huyện Hiên (cũ), mỗi lần xuống bến Giằng (nay là huyện Nam Giang) hoặc xuống thị trấn Prao (nay là Ðông Giang) phải mất mấy ngày luồn rừng, men theo bờ suối, bám từng rễ cây để đi. Năm 1979, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Blao quyết định tìm đường. Bàn chân chàng trinh sát bao năm mòn trên các đỉnh núi đã quá quen thuộc sông suối, ông quyết treo lên từng ngọn cây, men theo lưng chừng núi, vẽ trong tâm trí một con đường xuyên đại ngàn, từ xã Lăng lên tới khu 7. Khi trình bày với cấp trên, rồi dân làng, không ai tin. Và ông quyết mở đường để chứng minh. Hai năm sau, đường hoàn thành, đó là dấu gạch nối giữa con đường muối ngàn năm với con đường bây giờ - huyện lộ xuyên sơn.

Chuyện Blao làm đường người ta kể nhiều, nhưng ít ai biết, ông cũng là một chứng nhân lịch sử của con đường muối, khi ngày xưa thường xuyên gùi muối, vật phẩm dưới Hòa Vang (Ðà Nẵng) lên tận biên giới. Ông trăn trở: “Bây giờ tôi có 2 nỗi buồn, nghèo khổ thì nói miết rồi. Thứ nhất là cái bảo tồn văn hóa truyền thống Cơ Tu sao khó thế. Ðó cũng là cái dẫn đến nỗi buồn thứ hai, với huyền sử con đường muối. Với những gì Tây Giang có, sao mãi không phát triển được du lịch? ”.

80 tuổi, là “tàng kinh các” sử sống miền biên ải, già làng Clâu Blao khẳng định, con đường ông mất 2 mùa trăng để tìm ra chính là con đường muối ngàn năm trước. “Phải hiểu thế này, đường muối chỉ là một cái tên gọi mơ hồ, thể hiện sự giao thương buôn bán miền ngược miền xuôi, như cái con đường tơ lụa ấy. Bố sống ở đây 80 năm, thuộc từng gốc cây con suối, bố chưa thấy cái đường mòn nào ngoài con đường này”.

MỚI - NÓNG