Bản làng kỳ lạ, đông con vẫn nhận con nuôi

Bản làng kỳ lạ, đông con vẫn nhận con nuôi
Không phải chỉ những gia đình “hiếm muộn”, mà ngay cả những gia đình "con đàn cháu đống" ở bản Na Páo Hành (Nậm Mười, Văn Chấn, Yên Bái) vẫn muốn nhận thêm con vì họ cho rằng đó là cái phúc, lộc trời ban.

Bản làng kỳ lạ, đông con vẫn nhận con nuôi

> Những 'bộ lạc' giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

Không phải chỉ những gia đình “hiếm muộn”, mà ngay cả những gia đình "con đàn cháu đống" ở bản Na Páo Hành (Nậm Mười, Văn Chấn, Yên Bái) vẫn muốn nhận thêm con vì họ cho rằng đó là cái phúc, lộc trời ban.

Người ở Na Páo Hành quan niệm càng đông con cái gia đình càng yên ấm, hạnh phúc
Người ở Na Páo Hành quan niệm càng đông con cái gia đình càng yên ấm, hạnh phúc.

Truyền thống nhận con nuôi

Chúng tôi tìm đến bản Na Páo Hành một ngày mùa đông miền Bắc, cái lạnh của miền núi tây bắc lúc nào cũng khắc nghiệt hơn cả.

Từng lớp sương giá rét đặc quánh phủ kín đường đi, khiến chỉ có thể nhìn rõ sự vật cách khoảng 10m. Ở Na Páo Hành, chúng tôi được biết về tục lệ kỳ lạ của người dân tộc Dao sinh sống nơi đây – tục nhận con nuôi.

Theo dân làng, tục nhận con nuôi có từ rất lâu, những gia đình không con hoặc chỉ có con gái, sẽ đi tìm gia đình ý định cho con đi ở, để nhận về làm con nuôi, sau này còn có người nối dõi tông đường.

Đặc biệt, kể cả những gia đình đủ con trai, con gái vẫn thích nhận thêm con về nuôi cho vui cửa nhà. Bởi lẽ, người Dao ở xứ “thâm sơn cùng cốc” này luôn tâm niệm, con cái chính là lộc của trời, nhà càng đông con càng có phúc.

Qua chỉ dẫn của những người dân bản địa, chúng tôi tìm đến nhà bà Đặng Thị Pham ở thôn Na Páo Hành. Gia đình bà Pham nổi tiếng trong vùng vì nhận nhiều con nuôi.

Trong căn nhà sàn thấp lè tè được cất bằng những gỗ mỏng, một phụ nữ già cả, khuôn mặt sạm đen, đầy nếp nhăn xô nhau, trông đã thấy sự khổ cực của cả một đời. Khẽ run rẩy đôi môi thâm đen, bà Pham kể, tổng cộng bà nhận nuôi tới tám người con, trong đó bảy con trai, một con gái. Do trước đây gia đình vợ chồng bà khó trong việc sinh đẻ nên nhiều lần bà mang thai đều bị “chết non”.

Trong số tám người con bà Pham nhận nuôi, chỉ bốn người sống sót. Bà bảo, không phải vì không biết cách chăm sóc, mà hai đứa qua đời vì thiếu sữa, khi trên đường đem về từ nhà bố mẹ đẻ. Hai đứa xấu số mất mạng nhằm năm mùa màng mất trắng, không có cái ăn, cái nghèo đói đưa bệnh tật tới, nên chúng bỏ bà Pham mà đi.

Bốn người con sống sót giờ đều trưởng thành, lấy vợ, chồng hết cả, chỉ còn người con út ở với bà Pham.

“Ngày ngày, hai vợ chồng chúng nó đi buôn bán tít dưới chợ huyện, đến tối mịt mới về, có lúc vài ba hôm mới về một lần”.

Bà Pham còn cho biết, con nuôi ở bản Na Páo Hành đều phải nhận từ khi bé xíu, có người còn nhận từ lúc vừa đẻ ra, còn đỏ hỏn, bởi như vậy mới thấy được tấm lòng với đứa trẻ.

Thông thường, bố mẹ nuôi không phải cứ đến xin không, mà phải mất một khoản tiền, hoặc vật phẩm như con gà, tải gạo, hay có khi là cả con trâu, coi như một thứ tín lễ trao tay, chứ không phải hình thức mua bán.

Ban đầu, khi đưa đứa trẻ về nhà mới, bố mẹ nuôi sẽ phải mời thầy mo về cúng ma nhập để đứa con nuôi trở thành người nhà. Thậm chí, có nhà cẩn thận, khi có ý định nhận con nuôi, phải đi tìm nhà nào muốn bán con, đến đó thương lượng, họ đồng ý thì mới về nhà chuẩn bị đồ lễ, chọn ngày đẹp, mổ gà xem chân, nếu thuận lợi thì sẽ đi đón về.

Phải xem đường trước khi đi đón, nếu gặp chó hoặc thú trên đường thì sẽ mang trả lại, không nhận nuôi nữa, vì như thế là thần không đồng ý. Nếu đưa đứa nhỏ về thuận lợi thì sẽ làm lễ cúng ma, nhập họ, báo cáo tổ tiên cho đứa bé trở thành con mình.

Đứa con nuôi, sau khi cúng ma được coi như con đẻ trong nhà, rất ít trường hợp quay lại với bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi nấng, đến khi đứa trẻ hiểu chuyện, bố mẹ nuôi sẽ có trách nhiệm kể cho chúng nghe về nguồn gốc bố mẹ thực sự và sẽ cho đem gạo, tiền và quà bánh mang về để báo hiếu vài lần trong năm. Nếu đứa nào thấy nhớ bố mẹ đẻ có thể xin về ở vài hôm rồi lại quay về nhà bố mẹ nuôi.

Nhiều gia đình người dân tộc Thái do kinh tế khó khăn nên đã phải bán con đi cho người khác nuôi hộ
Nhiều gia đình người dân tộc Thái do kinh tế khó khăn nên đã phải bán con đi cho người khác nuôi hộ.

Khác với bà Pham, gia đình anh Đặng Thế Toản, dù đã sinh một trai, một gái, nhưng anh vẫn nhận thêm hai con nuôi. Anh Toản tâm sự: “Ở đây ai cũng thích nhận con nuôi cả, nuôi thêm cho vui cửa nhà. Ngày ngày cùng nhau đi làm nương, làm rẫy, cuối ngày về quây quần bên mâm cơm, sướng khổ có nhau”. 

Chia sẻ với những gia đình khó khăn

Cũng không biết truyền thống nhận con nuôi của người Dao ở Nậm Mười có từ bao giờ, nhưng tính cả xã có hơn 500 hộ gia đình người Thái, người H'Mông, Dao... Chỉ tính riêng những gia đình người Dao nhận con nuôi cũng chiếm đến 60%. Đó mới là con số thống kê chưa chính xác.

Phần lớn con nuôi người Dao ở Nậm Mười nhận đều là con người dân tộc Thái ở những huyện lân cận. Sở dĩ như vậy vì người dân tộc Thái đời sống kinh tế còn khó khăn, kế hoạch hóa gia đình cũng như việc áp dụng biện pháp tránh thai chưa tốt, nên nhiều gia đình sinh con nhưng không thể nuôi được.

Đặc biệt, nhiều hộ gia đình có chồng nghiện hút ma túy đến mức phải bán cả con.

“Ngày tôi xuống chợ huyện đi tìm con nuôi, có hai vợ chồng người Thái dẫn theo đàn con đông đến 7, 8 đứa liền sán lại hỏi mua. Họ đồng ý bán cho ba đứa con vì chồng sắp chết vì không có tiền mua thuốc phiện để hút, tài sản trong nhà đã bán sạch hết cả, lũ con đói khổ, ăn chẳng đủ no. Tôi liền về nhà lấy một con trâu, hai bao tải gạo và một con gà mái đem xuống cho gia đình đó để đổi lấy ba đứa con nuôi”, ông Thái, một người dân Nậm Mười kể lại ngày đi nhận con nuôi của người Thái.

Ngoài những đứa trẻ dân tộc, ở Nậm Mười cũng có một số gia đình nhận cả con cái của người Kinh về làm con nuôi. Một số là con của những người lên tây bắc lập nghiệp làm ăn, một số là trong những chuyến xuống đồng bằng nhờ qua lại mối lái, biết có gia đình nào khó khăn, những người Dao ở Nậm Mười liền đến để xin về nuôi.

Tâm sự của những đứa con nuôi

Anh Nam, người dân tộc Thái về làm con nuôi ở bản Na Páo Hành, kể: “Tôi được bố mẹ nuôi nhận về từ lúc còn đỏ hỏn. Dù nhà bố mẹ nuôi cũng chẳng khá khẩm, nhưng họ vẫn cố gắng nuôi tôi khôn lớn. Năm tôi lên 12 tuổi, bố mẹ nuôi kể cho tôi nghe về bố mẹ ruột và cho tôi ít tiền về tìm bố mẹ, thăm nom họ xem giờ ra sao”.

Mỗi năm, anh Nam xuôi xuống chợ huyện, ghé thăm nhà đẻ vài ngày, rồi trở lại Nậm Mười. Ân nghĩa nuôi nấng của những người Dao tốt bụng khiến anh một lòng theo cha mẹ nuôi.

Đến bây giờ, khi đã có nhà cửa khang trang, cuộc sống bớt phần khốn khó, anh Nam cũng giống bố mẹ nuôi của mình, cũng muốn nhận thêm con nuôi.

“Vợ chồng tôi đã có hai con, nhưng tôi cũng muốn nhận thêm vài đứa con nuôi nữa cho vui cửa vui nhà”, anh Nam nói.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đi tìm con nuôi không còn dễ dàng như xưa. Có khi phải đi tìm hàng tuần mới mong nhận được con về nuôi nấng.

Cùng tâm sự với anh Nam, ông Hà Văn Lợi, con nuôi của bản, nay đã ở vào cái tuổi 60, khuôn mặt nhăn nheo và mái tóc đã bạc trắng theo thời gian.

Ông Lợi tâm sự về hoàn cảnh đi làm con nuôi của mình: “Ngày xưa, bố mẹ đẻ của tôi vốn là người dân tộc Thái, cách đấy đến 50km. Nhà tôi vốn có 6 anh em nhưng nghèo quá, không có cái ăn nên phải bán tôi đi làm con nuôi. Từ ngày lên đây, thỉnh thoảng, tôi mới có cơ hội về thăm nhà, thăm bố mẹ đẻ. Nhớ nhà lắm nhưng không đi thì ở nhà bố mẹ cũng không nuôi được. Bố mẹ nuôi tốt lắm, nhận tôi về thỉnh thoảng vẫn mang gạo xuống cho bố mẹ đẻ”.

Bây giờ ông đã có gia đình riêng và có cháu nội, cháu ngoại. Bản thân ông cũng phải bán một người con cho người ta làm con nuôi vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Về tục nhận con nuôi, ông Đặng Phúc Tài, Chủ tịch xã Nậm Mười cho hay: “Người dân ở đây chủ yếu là người Dao, trình độ dân trí thấp nên việc áp dụng các quy định về nhận con nuôi là điều rất khó. Người Dao thường kết hôn sớm nên sau một năm không có con là họ đã đi tìm và nhận con nuôi.

Cũng có những trường hợp gia đình đông con nhưng chưa có con trai nên đi nhận con trai về nuôi lấy người nối dõi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng tôi đã có nhiều quy định về nhận con nuôi nên tình trạng này đã giảm rất nhiều, chỉ còn lác đác”.

Theo Mặc Phong – Kinh Vân
Infonet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.