Ngàn năm biến động ở vùng đất thánh Jerusalem

TPO - Được coi là vùng đất thiêng của ba tôn giáo lớn gồm Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo với hàng triệu các tín đồ các tôn giáo đổ về đây mỗi dịp thánh lễ, nhưng thành phố Jerusalem luôn không bình yên bởi các cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng ngàn năm qua.

Vùng đất thiêng của ba nền tôn giáo

Ngàn năm biến động ở vùng đất thánh Jerusalem ảnh 1

Nhà thờ mái vòm bằng vàng Dome of Rock linh thiêng nhất của người Hồi giáo ở Jerusalem. Ảnh: Getty Images.

Jerusalem là một thành phố Trung Đông nằm giữa Địa Trung Hải và Biển Chết, ở phía Đông của thành phố Tel Aviv, Israel. Đây là một trong những vùng đất linh thiêng nhất của ba tôn giáo lớn trên thế giới gồm: Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.

Ở trung tâm Jerusalem là Khu phố Cổ. Đó là mê cung với những con ngõ nhỏ có những nét kiến trúc cổ lâu đời. Nơi đây quy tụ bốn quảng trường lớn được bao bọc bằng đá của người Do Thái, Thiên chúa giáo, Hồi giáo và người Armenia.

Ngàn năm biến động ở vùng đất thánh Jerusalem ảnh 2

Nhà thờ Mộ chúa Giê-su, nhà thờ cổ nhất thế giới của Thiên chúa giáo. Ảnh: Getty Images.

Trong khu vực Thiên chúa giáo có nhà thờ Mộ Chúa Jesus, một trong những nhà thờ cổ xưa nhất thế giới. Đây là nơi hàng triệu tín đồ Thiên chúa giáo trên thế giới đổ về đây cầu nguyện mỗi năm. Theo kinh Tân Ước, Jerusalem chính là nơi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá. Nơi đây được tôn sùng là nơi Chúa Giê-su được mai táng và cũng là nơi Chúa được phục sinh.

Quảng trường Hồi giáo là khu vực lớn nhất trong 4 quảng trường tại Jerusalem. Nơi đây có đền thờ Mái vòm bằng vàng Dome of Rock (nơi được cho là nhà tiên tri Mahammad đã đi từ thánh địa Mecca tới đây và bay lên thiên đàng trên con ngựa có cánh) và nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa (nhà thờ Hồi giáo linh thiêng thứ ba và nằm dưới sự quản lý của Waqf - cơ quan thẩm quyền Hồi giáo của Jordan, quản lý các hoạt động tôn giáo tại Jerusalem). Quanh năm, hàng triệu tín đồ Hồi giáo khắp thế giới tới đây cầu nguyện, riêng dịp thánh lễ Ramadan, nơi đây thu hút hàng trăm ngàn người Hồi giáo tới hành hương.

Ngàn năm biến động ở vùng đất thánh Jerusalem ảnh 3

Bức tường than khóc, điện thờ linh thiêng nhất của người Do Thái. Nhiều người cho rằng chỉ cần viết những lời cầu nguyện vào tờ giấy và nhét vào bất kỳ nơi nào của bức tường thì nó sẽ thành hiện thực. Ảnh: Getty Images.

Quảng trường Do Thái nổi tiếng với Bức tường phía Tây hay còn gọi là "Bức tường Than khóc". Đây là phần còn lại của bức tường cổ bao quanh đền thờ Do Thái, nằm ở phía tây Núi Đền (Temple Mount) ở thành phố cổ Jerusalem. Đây là điện thờ linh thiêng nhất của các tín đồ Do Thái. Hàng năm Bức tường phía Tây đón hàng triệu khách tham quan.

Các tín đồ Do Thái giáo tới đây đều không bỏ lỡ cơ hội viết một lời cầu nguyện ra giấy và nhét mảnh giấy đó vào một khe bất kỳ trong bức tường thì lời cầu nguyện sẽ thành hiện thực.

Các cuộc tranh chấp trong lịch sử

Lịch sử của vùng đất này được hình thành bởi người Cannaanite cách đây khoảng 4.000 năm trước. Người Do Thái tin rằng, đền thờ của họ được xây dựng dưới triều đại vua Solomon khoảng năm 1.000 trước Công nguyên và rồi bị phá hủy bởi triều đại vua Nebuchadnezzar vào năm 586 trước Công nguyên.

Việc xây dựng đền thờ Do Thái thứ hai được bắt đầu vào năm 516 trước Công nguyên và bị dang dở sau nhiều lần cải tiến và bổ sung và cho tới khi người La Mã phá hủy nó vào năm 70 sau Công nguyên.

Không chỉ các cuộc tranh chấp lãnh thổ, những cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát thương mại đã từng xảy ra giữa những người theo đạo Thiên chúa, người Ba Tư, người Ả rập và những người khác trong suốt một nghìn năm qua.

Người Hồi giáo đã xây dựng nhà thờ mái vòm bằng vàng Dome of the Rock vào năm 691 sau Công nguyên, và nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, ngôi thánh đường thiêng liêng thứ ba trong đạo Hồi  được xây dựng sau đó 14 năm.

Theo các nhà khảo cổ học, những chiến binh thập tự của Thiên chúa giáo đã cướp Jerusalem khỏi sự kiểm soát của người Hồi giáo vào năm 1099, họ đã biến Al-Aqsa và Dome of the Rock thành cung điện và chuồng trại cho Hiệp sĩ.

Saladin tái chiếm Jerusalem vào năm 1187 và người Hồi giáo đã kiểm soát khu vực này kể từ đó.

Những cuộc tranh chấp hơn nửa thế kỷ qua

Ngày 14/5/1948, người đứng đầu Cơ quan Do Thái David Ben-Gurion công bố Tuyên ngôn Độc lập Israel, chính thức thành lập nhà nước Israel của người Do Thái. Ngay ngày hôm sau, liên quân 4 nước Ả Rập gồm Ai Cập, Syria, Jordan và Iraq cùng các đạo quân từ Yemen, Maroc, Ả Rập Saudi và Sudan phát động chiến tranh để ngăn chặn Nhà nước Do Thái non trẻ.

Sau một năm giao tranh, các nước đã đi tới thỏa thuận ngừng chiến và thành phố Jerusalem bị chia làm hai khu vực, ngăn cách bởi một bức tường và dây thép gai. Theo đó, phía Đông Jerusalem do người Jordan quản lý, phía Tây là của người Israel, còn Ai Cập nắm quyền kiểm soát dải Gaza.

Trong cuộc chiến tranh Sáu ngày 1967 (ngày 5-10/6/1967), Israel chủ động tấn công các nước Ả Rập, chiếm lại được phía Đông Jerusalem từ Jordan, dải Gaza từ Ai Cập và Cao nguyên Golan từ Syria. Sau đó, chính quyền Israel tuyên bố Jerusalem thống nhất và là thủ đô của nhà nước Do Thái.

Năm 1980, chính phủ Israel công bố sắc lệnh Luật Cơ bản Jerusalem. Theo đó, thành phố này là "thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt" của Israel. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không chính thức công nhận động thái này của Israel theo Nghị quyết 478 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, người Palestine vẫn luôn coi phía Đông Jerusalem là thủ đô của mình.

Tuân thủ Nghị quyết 478 của LHQ, 22 trong số 24 quốc gia có Đại sứ quán tại Jerusalem đã chuyển về thành phố Tel Aviv, 2 quốc gia còn lại là Costa Rica và El Salvador cũng di dời đại sứ quán vào năm 2006. Từ đó tới nay, không quốc gia nào thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hoặc đặt đại sứ quán tại đây. Chỉ có  4 lãnh sự quán đặt tại đây.

Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem, cho phép Mỹ đưa đại sứ quán  trở lại Jerusalem. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, đến nay các đời tổng thống Bill Clinton, George W. Bush hay Barack Obama đều không thực hiện được điều này. Cứ mỗi 6 tháng, các tổng thống Mỹ phải kí lệnh trì hoãn và giải trình tại sao không đưa đại sứ quán tới Jerusalem.

Trước những căng thẳng ngày càng leo thang về tranh chấp lãnh thổ giữa Isreale và Palestine, tháng 10/2009, Tổng thư ký LHQ lúc bấy giờ là ông Ban Ki-moon đã cảnh báo rằng, Jerusalem phải là thủ đô của cả Israel và Palestine và khuyên người dân hai nước nên chung sống hòa bình và an toàn với sự sắp xếp những vị trí linh thiêng được chấp nhận cho tất cả vì nền hòa bình của Trung Đông.

Ngày 5/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán tới đây. Quyết định của ông Trump đã gây nên một làn sóng phản đối dữ dội trong khắp thế giới Ả Rập, đặc biệt là Palestine.

Theo những người Palestine, Jerusalem thuộc về họ. Nghị quyết 58/292 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định rằng những người Palestine có chủ quyền đối với Đông Jerusalem.

Theo tổng hợp
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.