Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đã nhận được được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, cử tri kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tạo lập các kênh thông thoáng nhưng có kiểm soát hợp lý để tạo nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động; cho phép các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất được thế chấp bằng máy móc, sản phẩm đầu ra, đầu vào để hạn chế phải thế chấp bằng bất động sản.
Nhiều khoản vay không cần thế chấp bằng bất động sản. |
Trả lời kiến nghị này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất.
Cụ thể, về điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Ngày 10/7, Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp hơn dự kiến, các nguồn vốn trung dài hạn trong nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn.
Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo các nhà băng đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay cũng như nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn.
Ngoài ra, gần đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06 bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Về các biện pháp đảm bảo tiền vay, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng chủ động trong hoạt động cấp tín dụng và thỏa thuận với khách hàng trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ của khách hàng.
Thực tế, thời gian qua, ngân hàng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền với nhiều loại hình tài sản khác nhau, như ô tô, tài sản hình thành vay trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ, bất động sản... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được ngân hàng đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi.
Do đó, khách hàng làm việc trực tiếp với ngân hàng cho vay để đề xuất cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay.