Ngân hàng máu sống giữa thảo nguyên M’Đrắk

Ngân hàng máu sống giữa thảo nguyên M’Đrắk
TP - Gần 100 bệnh nhân vỡ lách, cắt tử cung, xuất huyết tiêu hóa, suy tủy, tai nạn thập tử nhất sinh đã được cứu mạng nhờ “ngân hàng máu sống” của Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk. Nguồn máu được hiến rút từ chính cơ thể của cán bộ nhân viên đang công tác tại bệnh viện này.

Mỗi ngày, trung bình Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk tiếp nhận, khám, điều trị và cấp cứu cho hơn 250 ca bệnh. Mỗi năm, phải cấp cứu tới vài trăm ca bệnh nặng, cần được truyền máu khẩn cấp.

Là huyện nghèo cửa ngõ của tỉnh Đắk Lắk, giáp tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Buôn Ma Thuột trung tâm tỉnh tới gần 100 cây số, từ năm 2006 Bệnh viện đa khoa M’Đrắk đã triển khai nhiều kỹ thuật phẫu thuật mới để xử lý cắt tử cung, thai ngoài tử cung, dập vỡ lá lách… 

Đây là những tình huống dễ gặp nguy hiểm trong quá trình mổ do mất nhiều máu mà bệnh viện chưa có nơi lưu trữ máu, nằm cách xa bệnh viện tuyến trên nên công tác cấp cứu khi bệnh nhân cần máu gấp gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2007, bệnh viện chủ động xây dựng “Ngân hàng máu sống” (NHMS) để “gỡ bí”, với các thành viên tự nguyện ban đầu gồm 25 đoàn viên thanh niên, cán bộ nhân viên của bệnh viện.

Chị Lê Thị Hoa (50 tuổi, điều dưỡng của Khoa Nội) không nhớ đã bao nhiêu lần cho máu, giúp bao nhiêu bệnh nhân thoát cửa tử. Từ trước khi có NHMS, trung bình mỗi năm chị đã giúp các bệnh nhân từ 2 đến 3 đơn vị máu. 

Chị không nhớ tên hay địa chỉ bệnh nhân, chỉ nhớ một số ca bệnh đặc biệt. Lần có một bệnh nhân nữ bị xuất huyết tiêu hóa, hồng cầu giảm, mất máu rất nhiều cần phải mổ gấp. 

Chị kể: “Bệnh nhân đó quá yếu cần tiếp máu, mà lại thuộc nhóm máu hiếm, người thân không ai có cùng nhóm máu, máu của tôi phù hợp nên tôi cho chị ấy máu. Hay ca cấp cứu một sản phụ bị tiền sản giật sau khi mổ bị chảy máu cấp phải cắt tử cung. Kíp mổ đã huy động tôi và 3 đồng chí khác cho bệnh nhân 4 đơn vị máu để hồi sức cấp cứu, sau đó bệnh nhân được chuyển tuyến gấp xuống bệnh viện Khánh Hòa an toàn”.

Điều dưỡng Khoa Ngoại sản Nguyễn Văn Diễm có nhóm máu hiếm AB. Cả bệnh viện M’Đrắk chỉ 4 người nhóm máu này, được coi là “của để dành” cho những ca cấp cứu nặng. Từ khi tham gia NHMS, anh Diễm đã cứu được 4 bệnh nhân khỏi tình trạng nguy kịch do mất máu. Ấn tượng nhất với anh là trường hợp cháu bé 5 tuổi bị suy tủy nhập viện trong tình trạng thở dốc, thiếu máu cấp. “Thời điểm đó, giữ cháu bé lại mà không có máu sẽ nguy hiểm tính mạng mà chuyển tuyến thì cháu bé sẽ tử vong trên đường, nên tôi tự nguyện cho máu để bác sĩ truyền sơ cứu ban đầu, giúp bệnh nhân đủ sức chuyển viện”, anh Diễm nói.

Theo ông Phan Xuân Thủy, trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ: “Ngân hàng máu sống” của Bệnh viện có nhiều y bác sĩ như Hồ Thị Thu, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Lâm… đã cho máu cứu sống bệnh nhân hàng chục lần. Hiện, bệnh viện có 116 cán bộ, công nhân, viên chức thì tất cả đều đã tham gia “Ngân hàng máu sống” trên tinh thần tự nguyện để kịp thời cứu người.

MỚI - NÓNG