Ngân hàng lãi 1-2 nghìn tỷ đồng/ năm là thấp

Ngân hàng lãi 1-2 nghìn tỷ đồng/ năm là thấp
TP - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết như vậy khi trả lời chất vấn của ĐBQH, sáng ngày 25-11-2011.

> Vàng SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Lãi suất là nội dung được các ĐB chất vấn nhiều nhất. Trả lời về “tình trạng lãi suất chui, ngân hàng rút tiền ra đưa cho doanh nghiệp để gửi lại các ngân hàng khác nhằm hưởng lãi suất cao.

Lãi suất cho vay cao, trần lãi suất huy động 14%, ngân hàng hưởng lợi lớn, lương, thưởng cao, trong khi doanh nghiệp đang khó khăn”, Thống đốc nói: “Luật cho phép Ngân hàng Nhà nước được quy định các mức lãi suất, các trần lãi suất. Chúng tôi thấy trong bối cảnh hiện nay, quy định một mức trần lãi suất cho hệ thống ngân hàng là hợp lý nhất. Qua theo dõi, những ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng tài chính lành mạnh thì không gặp khó khăn gì. Chủ yếu gặp khó khăn trong vấn đề quy định trần lãi suất này là các ngân hàng có tài chính yếu kém”.

Trước việc nhiều ĐB cho rằng các ngân hàng lãi quá lớn, ông Bình nói: “Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách đầy đủ hơn: Một ngân hàng ở tầm cỡ bình thường tổng tài sản quản lý vào khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, với khối lượng tài sản quản lý lớn như vậy và vốn điều lệ ít nhất cũng từ 3.000 - 5.000 tỷ, một năm họ có lãi khoảng 1.000 - 2.000 tỷ so với vốn điều lệ, so với tổng tài sản thì các tỷ lệ này rất thấp”. Theo Thống đốc, các tổ chức tín dụng Việt Nam về mặt thu nhập đứng hàng thứ 15 trong nhóm các DN, tức là ở nhóm trung bình.

ĐBTrương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng các ngân hàng mạnh, quá mạnh cũng có mặt trái - đó là nguy cơ tài phiệt hóa. “Các tập đoàn tài chính, ngân hàng tích tụ tài sản quá lớn, thế lực quá lớn đến mức vô hiệu sự kiểm soát của luật pháp, luôn tìm cách đẩy lợi nhuận và thu nhập lên tối đa bất chấp lợi ích xã hội, lũng đoạn chi phối quyết định, chính sách của Nhà nước. Vì lớn quá nên dù biết nó xấu, nó vi phạm nhưng không thể để nó chết vì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống, đến nền kinh tế và phải đổ thêm tiền ngân sách để cứu nó?” - ĐB Nghĩa chất vấn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Trong giai đoạn hiện nay, ĐBQH hoàn toàn có thể yên tâm là không có tổ chức tín dụng to đến mức độ mà chúng ta không thể cho nó đổ vỡ được”.

Trả lời ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) về tình trạng vi phạm của cán bộ ngân hàng dẫn đến mất tiền, mất cán bộ, mất lòng tin của dân thời gian qua, ông Bình thẳng thắn “hoạt động thanh tra giám sát của hệ thống ngân hàng còn một số yếu kém dẫn đến mất người, mất tiền, mất của, mất uy tín đối với nhân dân. Chúng tôi ghi nhận ý kiến ĐB và sẽ có biện pháp rất quyết liệt để chấn chỉnh”.

Về tái cấu trúc ngân hàng, Thống đốc Bình cho biết: Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ được phân 3 nhóm lớn: Nhóm thứ nhất có tài chính lành mạnh, có năng lực, có quy mô đủ lớn sẽ tiếp tục phát triển thành những ngân hàng trụ cột. Dự kiến, đến 2015 có khoảng 15 tổ chức tín dụng (chiếm 80% thị phần), trong đó có 1-2 tổ chức có tầm cỡ khu vực, quốc tế.

Nhóm thứ hai tài chính lành mạnh nhưng có quy mô nhỏ, sẽ có những quy định để đảm bảo hoạt động trong tầm kiểm soát. Nhóm thứ ba tài chính khó khăn (chiếm chưa đầy 5% thị phần) cần phải được tái cấu trúc. “Sẽ không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền.Từ quý II-2012 đến hết 2013 sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc các ngân hàng thuộc nhóm thứ ba”- ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, nợ xấu của hệ thống ngân hàng vào khoảng 2,14% (2010), đến nay khoảng 3,3%, dự kiến đến cuối năm nay nợ xấu khoảng 3,6 - 3,8% vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.