Ngăn chặn, xử lý nghiêm khai thác bất hợp pháp cần lực lượng Kiểm ngư đủ mạnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi khai thác thuỷ sản bất hợp pháp hiện nay là cần có lực lượng Kiểm ngư đủ mạnh. Tuy vậy, dù Luật Thủy sản 2017 đề cập việc thành lập kiểm ngư địa phương thuộc thẩm quyền của tỉnh, nhưng đến nay, mới 8/28 tỉnh ven biển thành lập tổ chức kiểm ngư.

Theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), hiện tình hình biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, thiếu ổn định; tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) còn diễn ra phổ biến, phức tạp trên các vùng biển.

Đáng lo ngại hơn là việc tàu cá Việt Nam vẫn vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài. Trong khi đó, ở vùng biển ven bờ, số lượng tàu cá và cường lực khai thác lớn, ngư dân sử dụng phương pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi có xu hướng gia tăng, nhưng chưa có đủ lực lượng chuyên trách để thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học, chống khai thác IUU…

Ngăn chặn, xử lý nghiêm khai thác bất hợp pháp cần lực lượng Kiểm ngư đủ mạnh ảnh 1
Lực lượng kiểm ngư đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực thi pháp luật về thủy sản, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi vi phạm đánh bắt bất hợp pháp.

Việc Việt Nam bị Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác 5 năm qua vẫn chưa được tháo gỡ, nguy cơ “cảnh báo” thẻ đỏ là rất lớn nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trong cuộc họp gần đây đã nhấn mạnh, để dẫn đến tình trạng trên, ngoài vấn đề về nhật ký khai thác của ngư dân, xác nhận nguồn gốc khai thác, giải ngân cho cơ sở hạ tầng cảng cá… một trong những yếu tố quan trọng là nhiều địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức cho chống IUU.

Trong đó, một số nơi chậm chuyển biến trong việc góp phần gỡ thẻ vàng IUU như: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Bởi vậy, để Luật Thủy sản năm 2017 được thực thi hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ; tăng cường vai trò của Kiểm ngư trong thực thi pháp luật thủy sản trên biển và sớm gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, Bộ NN&PTNT tiếp tục có văn bản đề nghị các tỉnh, thành quan tâm, chỉ đạo và sớm quyết định thành lập tổ chức Kiểm ngư theo thẩm quyền trên cơ sở bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.

Ngăn chặn, xử lý nghiêm khai thác bất hợp pháp cần lực lượng Kiểm ngư đủ mạnh ảnh 2
Lực lượng Kiểm ngư đã chỉ đạo, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trên các vùng biển được giao quản lý, hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển, thềm lục địa của tổ quốc.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 1246/BNN-TCTS ngày 02/3/2021, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển căn cứ các quy định hiện hành, quyết định thành lập tổ chức Kiểm ngư cấp tỉnh theo thẩm quyền và phù hợp với đặc thù của địa phương.

Đến nay, đã có 8/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập tổ chức Kiểm ngư là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Trong đó, có 7 tỉnh thành lập theo mô hình cấp phòng thuộc Chi cục Thủy sản (trực thuộc Sở NN&PTNT) và 1 tỉnh thành lập theo mô hình cấp Chi cục thuộc Sở NN&PTNT (tỉnh Kiên Giang).

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, thời gian qua, Cục Kiểm ngư tổ chức triển khai hiệu quả các chuyến tuần tra ngay từ đầu năm và đạt hiệu quả, công tác xây dựng các đề án và văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo ông Quốc, lực lượng Kiểm ngư đã phối hợp với các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng đảm bảo duy trì lực lượng thường xuyên tại các ngư trường trọng điểm, các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam và các nước, qua đó góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, từng bước khẳng định tầm quan trọng, vị thế của Kiểm ngư…

Ngăn chặn, xử lý nghiêm khai thác bất hợp pháp cần lực lượng Kiểm ngư đủ mạnh ảnh 3
Lực lượng kiểm ngư hỗ trợ ngư dân trên biển

Lực lượng Kiểm ngư cũng đã thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác hải sản trên biển, đặc biệt là chống khai thác IUU, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của ngư dân ta như thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu nhận biết tàu cá sai quy định, ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, tắt thiết bị VMS... góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC về chống khai thác IUU.

Theo Luật Thuỷ sản 2017, Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức Kiểm ngư cấp tỉnh được quy định tại Điều 89, Luật Thủy sản năm 2017, cụ thể, gồm Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.

Cũng tại Điều 62, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản quy định:“Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển là tổ chức hành chính thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập”.

MỚI - NÓNG