Ngăn chặn việc né trách nhiệm bồi thường

Ngăn chặn việc né trách nhiệm bồi thường
TP - “Thực tế vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Chính vì vậy, việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường cần được làm rõ”.

> Nguy cơ tội phạm lọt lưới vì cán bộ sợ bồi thường oan, sai

Đó là ý kiến của một thành viên Ban soạn thảo khi nói về sự cần thiết xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, do Bộ Tư pháp chủ trì.

Cũng theo thành viên này, Thông tư sẽ xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong hoạt động quản lý bồi thường nhà nước.

Thực tế, các Bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về bồi thường. Song bộ phận thực hiện chức năng này với bộ phận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực có vụ việc yêu cầu bồi thường lại có trách nhiệm khác nhau.

Ví dụ, Vụ pháp chế - Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về bồi thường trong Bộ và toàn ngành tài chính, nhưng việc phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Vụ pháp chế với Tổng cục Thuế trong việc quản lý nhà nước về bồi thường đối với Tổng cục Thuế vẫn chưa được quy định cụ thể.

Theo Nghị định 16/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường phải có văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì thời hạn ban hành văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày.

Do đó, để xác định rõ cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, Điều 4 dự thảo Thông tư quy định bộ, ngành xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong phạm vi mình quản lý hoặc cơ quan thuộc ngành dọc do mình quản lý; UBND cấp tỉnh và cấp huyện xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong phạm vi mình quản lý; Bộ Tư pháp xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp còn lại...

Để ngăn chặn tình trạng né tránh trách nhiệm bồi thường, Khoản 2 Điều 6 dự thảo Thông tư nêu rõ, trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường, chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của người bị thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức họp với các cơ quan liên quan trong việc gây ra thiệt hại để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Trường hợp không thống nhất được, cơ quan có trách nhiệm phải quyết định một trong số các cơ quan có liên quan gây ra thiệt hại sẽ có trách nhiệm bồi thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG