Ngăn chặn đánh cắp, phát tán thông tin cá nhân

ĐB Nguyễn Thanh Hải đề nghị bổ sung quy định thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng. Ảnh: HL.
ĐB Nguyễn Thanh Hải đề nghị bổ sung quy định thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng. Ảnh: HL.
TP - Một vấn đề gây nhức nhối được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra khi thảo luận về Luật An toàn thông tin ngày 29/10 là tình trạng thông tin cá nhân bị đánh cắp, hoặc bán với giá rẻ rồi phát tán lên mạng, gây nhiều phiền toái, thậm chí có thể dẫn đến cái chết thương tâm.

“Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu”

ĐB Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội viện dẫn vụ việc một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai trước đây do không chịu được áp lực khi clip nhạy cảm bị lan truyền trên mạng, đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Đau xót hơn, khi nữ sinh đó được cứu chữa tại bệnh viện trước khi qua đời, các hình ảnh riêng tư đó vẫn tiếp tục được lan truyền trên mạng kèm theo những bình luận ác ý. Thế nhưng gia đình em không biết làm gì, cầu cứu ai, đến mức một người thân trong gia đình nữ sinh phải “xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu”.

“Tôi có quan điểm phòng hơn chống, do vậy cần có các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, cảnh báo người dùng, ứng cứu khẩn cấp, ngăn chặn kịp thời việc phát tán, lan truyền các thông tin trên mạng”. 

ĐB Nguyễn Thanh Hải

Theo ĐB Hải, clip nhạy cảm của nữ sinh vốn là thông tin riêng nhưng đã bị biến thành thông tin công cộng, gián tiếp gây ra cái chết của nữ sinh. “Tôi có quan điểm phòng hơn chống, do vậy cần có các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, cảnh báo người dùng, ứng cứu khẩn cấp, ngăn chặn kịp thời việc phát tán, lan truyền các thông tin trên mạng”, ĐB Hải nêu.

Khắc phục tình trạng này, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị bổ sung bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng vì việc phát tán thông tin trên mạng ngày càng khó lường. Do vậy cần yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp công khai liên kết, vì thời gian qua nhiều nhà mạng đã lập lờ trong vấn đề này khiến người dân ức chế.

Nhiều ĐB có cùng mối quan ngại trước việc thông tin cá nhân, như số điện thoại, danh tính cá nhân đang bị thu thập trái phép, bị “khủng bố” bởi các tin nhắn rác. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) nêu, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có thể mua được danh sách hàng nghìn người, từ số điện thoại, danh tính cho đến khả năng mua sắm, từ đó dội “bom” quảng cáo. Nhiều người là nạn nhân nhưng cũng không biết thông tin của mình đã bị đánh cắp từ bao giờ, lúc nào?

Cung cấp thông tin cá nhân phải được sự cho phép

Đề cập đến vấn đề trách nhiệm trong đảm bảo an toàn thông tin, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng dự án luật mới đề cập đến các vấn đề trong quản lý kinh doanh mà chưa đề cập đến vấn đề liên kết. Do đó, cần bổ sung nhà mạng trong kinh doanh liên kết, lưu trữ thông tin cá nhân trên mạng cần minh bạch, tránh bị sử dụng để trục lợi.

“Hiện nay người sử dụng điện thoại phải nhận hàng trăm tin nhắn rác quảng cáo về bất động sản. Trong khi đó, việc đảm bảo an toàn thông tin mạng không rõ cơ quan nào thẩm định? Cơ quan nào công bố? Xử lý khi có vi phạm xảy ra là điều xã hội mong mỏi nhưng luật lại chung chung, nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định. Muốn giao cho Chính phủ như vậy phải có chế tài ngay không thể để chờ lâu”, bà Hà nêu.

“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay nên quy định rõ hợp tác an toàn thông tin mạng, đào tạo nguồn nhân lực, và chia sẻ thông tin và phòng chống an ninh mạng”, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị.

Trước ý kiến của các ĐB, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị rà soát các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng. Đặc biệt việc cung cấp sử dụng thông tin cá nhân cho bên thứ ba phải được sự cho phép của tổ chức cá nhân đó, đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra vấn đề này.

MỚI - NÓNG