'Ngắc ngoải', thiếu thị trường

'Ngắc ngoải', thiếu thị trường
TP - Chiều 6/6, trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Hiện ở đồng bằng sông Cửu Long lúa chín đầy đồng không biết bán cho ai; cá tra, chăn nuôi giá thấp, thua lỗ... Cái khó nhất với sản phẩm nông nghiệp lúc này là thị trường”.

> Lúa, cá lỗ nặng nông dân kiệt sức

Sản xuất nhiều tiêu không kịp

Theo ông Phát, việc tiêu thụ lúa gạo, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, gặp khó khăn cả về trước mắt và trung, dài hạn. Trước mắt, có sự không khớp giữa sản xuất và tiêu thụ. Trong khi sản lượng các mặt hàng vẫn duy trì như năm trước, có sản phẩm tăng về số lượng, nhưng thị trường suy giảm mạnh đặc biệt với thị trường chăn nuôi trong nước và với thủy sản, lúa gạo ngoài nước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát
Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Cá tra “chiến lược” đang rơi vào cảnh người nuôi thua lỗ, doanh nghiệp đói vốn, thị trường liên tục gặp rào cản. Phải chăng, đây là hệ lụy của việc chúng ta phát triển quá nóng, thiếu quy hoạch?

 Từ vụ tới, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị, trao đổi với các địa phương điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm, phù hợp với tình hình thị trường, từng bước giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, ngay cả khi thị trường khó khăn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Với con cá tra hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn về thị trường, và cạnh tranh quyết liệt trên thế giới. Một số nước dựng hàng rào với cá tra Việt Nam, chính là để bảo vệ sản xuất trong nước của họ. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp, bộ ngành khác, để thông tin, đấu tranh tháo gỡ trên thị trường quốc tế.

Trong nước, vài năm gần đây, chúng tôi có khuyến cáo với các địa phương để xây dựng quy hoạch, hướng dẫn nông dân nuôi trồng ở vùng có điều kiện thuận lợi nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nông dân, nên diện tích nuôi cá tra hầu như không tăng lên, thậm chí còn giảm nhiều ở hộ nuôi nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, cần theo dõi, có hướng dẫn sát sao, phát triển nuôi hợp lý, không chỉ về quy mô diện tích, kỹ thuật để duy trì lượng sản phẩm phù hợp với khả năng thị trường, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích các DN đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sâu để nâng cao giá trị, và mở rộng thị trường.

Ngành nông nghiệp làm gì?

Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ, cho các DN nuôi cá về vốn, nhưng đến nay, rất ít được tiếp cận vốn vay ưu đãi?

Chúng tôi đã phối hợp với NHNN, cử các đoàn công tác, đến làm việc với các DN, để làm rõ tình hình, những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn hơn. Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN kiểm tra, tiếp tục triển khai.

Thủ tướng vừa chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu, tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN mua tạm trữ vụ Đông Xuân trước đó đang kêu thua lỗ, nên vụ này họ không mặn mà, vấn đề này Bộ thấy sao?

Đây là vấn đề khó, phức tạp, nên chúng ta giải quyết bằng nhiều biện pháp. Một mặt, giao nhiệm vụ, khuyến khích các DN nhà nước mua tạm trữ lúa gạo, khi họ khó khăn, Chính phủ có biện pháp hỗ trợ. Mặt khác, Chính phủ chỉ đạo tăng cường cung cấp tín dụng nông dân, để bà con không vội bán. Tiếp tục hỗ trợ DN tìm kiếm, ký kết các hợp đồng, tiêu thụ lúa gạo, giảm bớt tồn kho trong nước, để nông dân tiếp tục sản xuất vụ sau.

Trước tình hình này, Bộ đề nghị các địa phương, điều chỉnh diện tích sản xuất lúa không hiệu quả, sang các cây trồng khác mà Việt Nam đang nhập khẩu như ngô, đỗ tương... Nơi nào tiếp tục trồng lúa, sẽ tập trung vào giống có chất lượng, giá cao hơn.

Thưa ông, hiện bộ đang tập trung vào việc tái cơ cấu, vậy ngành nông nghiệp sẽ điều chỉnh thế nào?

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp không chỉ đưa ra kế hoạch, rồi nhăm nhăm sản xuất bao nhiêu tấn lúa, bao nhiêu con lợn, gà... mà cần tạo ra cỗ máy, phản ứng năng động trước những thay đổi của thời cuộc, thị trường, đạt được mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường. Cụ thể, chúng tôi giao cho các ban ngành cụ thể hóa trong kế hoạch hành động lĩnh vực của mình, triển khai các nhiệm vụ ưu tiên.

Chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất, điều chỉnh về cơ cấu đầu tư công, sử dụng vốn nhà nước để đáp ứng sát hơn nhiệm vụ tái cơ cấu ngành. Thay vì đầu tư nhiều cho thủy lợi, sẽ dành cho khoa học, công nghệ, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng; đầu tư cho quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; đầu tư những cây, con có giá trị cao hơn như thủy sản, trồng rau, hoa.

Xin cảm ơn ông!

Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, địa phương, đánh giá tình hình, đề xuất Chính phủ triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể. Chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn vụ hè thu; chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cung cấp tín dụng cho bà con nông dân, để họ không bán vội lúa, tạm trữ đến khi giá lúa tốt hơn. Với ngành chăn nuôi, cá tra, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ đã ban hành, phát hiện đề xuất những giải pháp tiếp theo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG