“Bản sơ thảo mới của học thuyết quân sự không còn điều khoản cho phép tiến hành tấn công hạt nhân phủ đầu đối với các kẻ thù tiềm tàng. Điều 198 của văn bản này xác định chính xác các điều kiện cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân”, một quan chức tham gia vào quá trình soạn thảo trả lời phỏng vấn trên tờ Interfax vào ngày 10/12.
“Liên bang Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước này bị đe dọa”, ông này cũng cho biết thêm.
Một quan chức cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cho biết giới quân đội Nga đã liên tục yêu cầu bổ sung thêm khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu đối với các nước hay các khối hiếu chiến tiềm tàng. Nhưng bản sơ thảo hiện nay không có bất kì một điều khoản nào như vậy.
Học thuyết quân sự hiện nay của điện Kremlin, được thông qua vào năm 2010, cũng không có những điều khoản về tấn công hạt nhân phủ đầu. Học thuyết này quy định: “Liên bang Nga có quyền được sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả lại các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên lãnh thổ Nga hay các đồng minh của Nga. Vũ khí hạt nhân cũng có thể được sử dụng trong trường hợp một cuộc tấn công bằng vũ khí thường đe dọa đến sự tồn vong của Liên bang Nga.”
Học thuyết cũng trao cho Tổng thống Nga quyền quyết định cuối cùng về việc có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thốngVladimir Putin đã giao nhiệm vụ cho các quan chức cấp cao của chính phủ và quân đội soạn thảo một học thuyết quân sự mới để thích ứng với các thách thức quân sự hiện đại và nền chính trị toàn cầu đang không ngừng biến đổi hiện nay. Thời hạn hoàn thành học thuyết là cuối năm nay.
Các quan chức tham gia vào nhiệm vụ này trước đây từng phát biểu trước báo giới rằng học thuyết sẽ cân nhắc các mối nguy hiểm và nguy cơ mới, đặc biệt là đối với các vấn đề như mùa xuân Ả-rập hay nội chiến Syria và cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.
Năm ngoái, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, quan chức phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng, đã phát biểu trước truyền thông rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này bị tấn công. Ông Rogozin cũng giải thích thêm rằng khả năng này đóng vai trò là sự răn đe chính với những kẻ khiêu khích và tấn công tiềm tàng.
“Chúng tôi không bao giờ giảm bớt tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân, vũ khí trả đũa để cân bằng với những kẻ cơ hội”, ông Rogozin cho biết.
Theo Thoa Phạm