RIA Novosti ngày 25/12 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Siluanov cho biết, Nga đã “chặn đứng sự suy yếu của đồng rúp”.
“Đồng rúp đã tìm thấy sự cân bằng và bắt đầu đứng vững trở lại”, người đứng đầu Bộ Tài chính Liên bang Nga tuyên bố.
Theo Bộ trưởng Anton Siluanov, với sự trở lại của đồng rúp, Nga không có lý do gì để tiếp tục duy trì các biện pháp mạnh nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ trong nền kinh tế.
“Chúng tôi đang cùng với các Ngân hàng Nga chuẩn bị các đề xuất nhằm giảm lãi suất cho vay đối với các ngành công nghiệp có hệ thống quan trọng cũng như các công ty”, Bộ trưởng Anton Siluanov nói, đồng thời khẳng định, các đề xuất sẽ được chuẩn bị trước khi kết thúc năm.
Vào thời điểm hiện tại, 1 USD tương đương với 52,5 rúp (1 euro tương đương 64 rúp)
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Nga cũng cho rằng lạm phát trong 2014 của Nga sẽ dao động trong khoảng 10,4% - 11,5%.
Ngày 16/12/2014 được cho là "Ngày thứ Ba đen tối" của nước Nga khi chỉ trong một buổi chiều, đồng rúp của Nga mất giá tới hơn 10% và được ghi nhận là lần sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tại quốc gia này năm 1998.
Cuộc họp khẩn cấp ngay trong đêm kết thúc với việc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên thành 17%/năm cũng không ngăn nổi tình trạng mất kiểm soát của đồng rúp.
Trong ngày ngày 16/12, đồng nội tệ Nga liên tục trồi sụt với những quãng giá cách biệt so với đồng USD và Euro, có lúc lên tới 80 rúp đổi 1 USD và 100 rúp đổi 1 Euro.
Sau thời điểm "Ngày thứ Ba đen tối" trên, với hàng loạt biện pháp "nước rút" mà Chính phủ Nga áp dụng để cứu đồng nội tệ, hiện giá trị đồng rúp đã tương đối bình ổn, duy trì ở mức trên dưới 60 rúp/USD.
Tuy nhiên, người dân Nga vẫn không khỏi hoài nghi về "sức bền ổn định" của tỷ giá đồng rúp dù Moscow tuyên bố dùng 7 tỷ USD để vực dậy đồng rúp và ổn định thị trường.