Nga – Trung xích lại gần nhau trước áp lực từ Mỹ - EU

0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Khu trự trị dân tộc Choang Quảng Tây ngày 22/3. (Ảnh: AP)
Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Khu trự trị dân tộc Choang Quảng Tây ngày 22/3. (Ảnh: AP)
TPO - Hai ngoại trưởng Trung Quốc và Nga vừa khẳng định quan hệ gần gũi trong cuộc gặp hôm nay, giữa những chỉ trích gay gắt và các biện pháp trừng phạt mới từ phương Tây.

Ông Vương Nghị và người đồng cấp Sergeiv Lavrov phản đối sự can thiệp của bên ngoài vào hệ thống chính trị của hai nước và khẳng định sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

Tại cuộc gặp đầu tiên ở TP Nam Ninh, miền nam Trung Quốc, ngày 22/3, hai ông Vương Nghị và Lavrov cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và Trung Quốc, đồng thời thúc giục Washington quay lại với thỏa thuận hạt nhân Iran. Nga và Trung Quốc đều có quan hệ gần gũi với Tehran.

Tại cuộc họp báo chung, ông Vương chỉ trích mạnh mẽ việc EU, Anh, Canada và Mỹ cùng trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì cáo buộc nhân quyền ở vùng Tây Cương.

“Hai quốc gia đứng bên nhau để phản đối bất kỳ hình thức trừng phạt đơn phương nào. Những biện pháp đó sẽ không được cộng đồng quốc tế ủng hộ”, ông Vương nói.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp báo, hai bộ trưởng nói rằng không quốc gia nào được áp đặt mô hình dân chủ lên nước khác.

“Can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia có chủ quyền dưới cái cớ thúc đẩy dân chủ là điều không thể chấp nhận được”, tuyên bố chung nói.

Trung Quốc khẳng định những người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương tự nguyên tham gia chương trình hướng nghiệp và phi cực đoan hóa. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc rằng có hơn 1 triệu người đang bị giam trong những trại cải tạo không khác gì nhà tù, bị buộc phải từ bỏ văn hóa truyền thống và cam kết trung thành với đảng.

Ngày 22/3, Trung Quốc trả đũa EU bằng cách trừng phạt 10 quan chức và tổ chức của EU mà Bắc Kinh cáo buộc là gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc và “truyền bá những dối trá và thông tin sai lệch một cách ác ý”. Những quan chức này bị cấm đến Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macao và không được tham gia các giao dịch tài chính với các tổ chức Trung Quốc.

Trung Quốc và Nga trước đây cạnh tranh với nhau nhưng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương trong những năm gần đây, khi cả hai cùng cạnh tranh với trật tự do Mỹ dẫn dắt và hợp tác trong các lĩnh vực quân sự, công nghệ, thương mại và tài nguyên thiên nhiên.

Nga bị phương Tây trừng phạt suốt mấy năm qua sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea, việc ủng hộ lực lượng ở miền đông Ukraine và vấn đề liên quan đến các nhân vật bất đồng chính kiến.

Trung Quốc và Mỹ tuần trước có cuộc gặp cấp cao nảy lửa ở Alaska, còn quan hệ Mỹ - Nga tiếp tục xuống dốc sau khi ông Putin đáp trả việc bị Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi là “sát nhân”.

Cũng trong ngày hôm nay, Ngoại trưởng Úc Marise Payne và người đồng cấp New Zealand Nanaia Mahuta ra tuyên bố chung nói bày tỏ quan ngại về tình hình ở miền tây Trung Quốc và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

“Hôm nay, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của minh bạch và trách nhiệm giải trình, và nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc cho phép các chuyên gia Liên Hợp quốc và các nhà quan sát độc lập khác tiếp cận không bị ràng buộc với Tân Cương”, tuyên bố chung nói.

Theo theo AP
MỚI - NÓNG