Theo ông Leonid Slutsky, một thành viên nhóm đàm phán Nga, Mátxcơva sẽ đưa ra những yêu cầu khắc nghiệt hơn nếu các cuộc đàm phán về việc giải quyết xung đột Ukraine được nối lại trong tương lai. “Giờ đây, các điều kiện mà chúng tôi đưa ra sẽ khó khăn hơn, liên quan đến các điều khoản phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, sẽ cứng rắn hơn cả về bản chất và khung thời gian thực hiện”, ông Slutsky, lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDPR) tại Duma Quốc gia Nga, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 19/7. Theo ông, hiện tại, Kiev không tỏ ra muốn nối lại các cuộc đàm phán.
Cuộc đàm phán Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 3 Ảnh: Sputnik |
Trước đó, hôm 18/7, Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cũng đề cập khả năng nối lại các cuộc đàm phán với Ukraine, nói rằng các yêu cầu của Nga sẽ khác nếu hai bên ngồi vào bàn đàm phán ngay bây giờ. Tuy nhiên, ông Ushakov nhận định: “Hiện tại, cả Kiev và các nước phương Tây đều không quan tâm đến vấn đề này”. Tiến trình đàm phán hòa bình đã bị trì hoãn sau cuộc gặp cuối cùng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 3. “Sau đó, phía Ukraine không duy trì bất kỳ liên lạc nào với chúng tôi”, ông Ushakov nói.
Mátxcơva ban đầu tỏ ra lạc quan về kết quả của các cuộc đàm phán tại Istanbul, nhưng sau đó cáo buộc Kiev quay lưng lại với tất cả những tiến bộ đã đạt được ở đó và tuyên bố đã mất hết lòng tin vào các nhà đàm phán Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với Forbes hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói sự quyết liệt của Nga là lý do khiến quá trình đàm phán hòa bình bị đình trệ, vì bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng đều liên quan trực tiếp đến tình hình ở tiền tuyến. “Tôi nói với tất cả các đối tác một điều đơn giản rằng, Nga chỉ nên ngồi xuống bàn đàm phán sau khi bị đánh bại trên chiến trường. Vì nếu không, họ sẽ lại thể hiện giọng điệu tối hậu thư”, ông Kuleba giải thích.
Quân đội Nga tuyên bố, một số vũ khí do phương Tây gửi tới Ukraine “đang xuất hiện trên khắp khu vực Trung Đông và cuối cùng cũng được bán trên thị trường chợ đen”.
Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không loại trừ “khả năng đàm phán”, nhưng ông tin rằng “không có lý do gì” để đàm phán ngay bây giờ. Trước đó, hồi tháng 6, nhà đàm phán cấp cao của Ukraine David Arakhamia tiết lộ Kiev tin rằng họ có thể đạt được “vị thế thuận lợi” vào cuối tháng 8 sau khi tiến hành “các hoạt động phản công ở một số khu vực nhất định”.
Ukraine tuyên bố sẵn sàng trở thành bãi thử nghiệm vũ khí
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov ngày 19/7 cho biết Kiev đã mời các nhà sản xuất vũ khí phương Tây đến nước này để thử nghiệm vũ khí trên thực địa. Bộ trưởng Reznikov cho biết, theo quan điểm của ông, Ukraine về cơ bản có thể đã được coi như một “bãi thử nghiệm”. “Nhiều vũ khí đang được thử nghiệm trên thực địa, trong điều kiện chiến đấu thực tế, đối đầu với quân đội Nga - lực lượng vốn có nhiều hệ thống vũ khí hiện đại”, ông Reznikov giải thích.
Ukraine quan tâm đến việc thử nghiệm các hệ thống hiện đại trên thực địa và đang mời các nhà sản xuất vũ khí thử nghiệm các sản phẩm mới của họ tại nước này. Theo ông Reznikov, lời đề nghị của mình có thể mang lại cơ hội tốt cho Ba Lan, Mỹ, Pháp, Đức và các quốc gia khác “để thử nghiệm thiết bị của họ”.
Ông nhấn mạnh rằng, để giành chiến thắng và đặc biệt là để có thể phản công, Ukraine cần có thêm nhiều vũ khí “một cách nhanh chóng và đầy đủ”. Thứ Kiev cần nhất ở thời điểm hiện tại là các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, vũ khí tầm xa, tên lửa chống hạm, máy bay, xe tăng và xe bọc thép. Ông nói rằng, “để có một cuộc phản công hiệu quả”, Ukraine cần ít nhất 100 hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Tính đến ngày 8/7, Mỹ đã cung cấp 12 hệ thống HIMARS cho Ukraine. Nhà Trắng tiết lộ một gói viện trợ quân sự mới sẽ được công bố vào tuần này, trong đó sẽ bao gồm nhiều pháo phản lực hơn.
Trong khi đó, Mátxcơva liên tục cảnh báo các nước phương Tây không nên cung cấp vũ khí cho Ukraine, nói rằng điều đó sẽ không thể ngăn cản lực lượng Nga đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự của họ, mà sẽ kéo dài xung đột và dẫn đến thương vong không đáng có. Nga cũng nói rõ rằng bất kỳ vũ khí nào của nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp.