> Ai cập: Sau ăn mừng là dọn dẹp
Sáng 13-2, binh sĩ Ai Cập đứng quanh những người biểu tình còn ở lại Quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: AP. |
Quyết định từ chức của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ngày 11-2 do sức ép từ các cuộc biểu tình rầm rộ khắp cả nước trong suốt 18 ngày đã đưa đất nước Kim tự tháp bước sang một trang sử mới. Trong khi hàng triệu người dân Ai Cập trên khắp cả nước xuống đường ăn mừng thắng lợi mà họ tự mô tả là “mang tính bước ngoặt” tại quốc gia này, thì ẩn sau những khuôn mặt hân hoan đó là nỗi lo về bộn bề những thách thức và khó khăn đang ở phía trước.
Các nhà phân tích cho rằng, tương lai của Ai Cập có thể đi theo nhiều hướng khác nhau. Những người biểu tình có vẻ “đoàn kết” trong việc lật đổ ông Mubarak, song liệu họ có thống nhất được như vậy với nhau về hướng đi tiếp theo của đất nước hay không. Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là Ai Cập sẽ rẽ theo hướng nào trong giai đoạn sắp tới. Việc Tổng thống Hosni Mubarak từ chức mới đáp ứng đòi hỏi đầu tiên của phong trào biểu tình. Quá trình tái thiết đất nước này sẽ là thách thức lớn nhất trước mắt.
Ai Cập đang bị thúc ép từ cả trong và ngoài nước về việc chuyển giao quyền lực một cách có trật tự, sau khi ông Mubarak từ chức. Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang điều hành đất nước cũng phải chịu sức ép trong việc đảm bảo quyền lợi của người dân, dỡ bỏ Luật khẩn cấp, sửa đổi hiến pháp và mở đường tiến tới bầu cử tự do và công bằng.
Trước mắt, quân đội sẽ phải vật lộn với việc điều hành đất nước 85 triệu dân này qua lúc giao thời, trong bối cảnh xã hội Ai Cập đối mặt với những khó khăn rất lớn như nạn thất nghiệp, nền kinh tế đình trệ, hơn 40% người dân sống dưới mức 2 USD/ngày.
Sự ra đi của ông Mubarak chưa thể chấm dứt ngay những vấn đề của Ai Cập, vốn là sản phẩm của hệ thống tham nhũng, trì trệ và áp bức của chính quyền mà ông Mubarak để lại. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng chính trị đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Ai Cập hàng trăm triệu USD mỗi ngày. Tình hình căng thẳng đến mức nhiều chuyên gia đã dự báo về sự sụp đổ của nền kinh tế cũng như nguy cơ quốc gia này bị lâm vào đói nghèo. Nếu chính phủ lâm thời và các lực lượng đối lập không dàn xếp được với nhau thì tình hình Ai Cập sẽ còn nguy hiểm hơn.
Mặc dù quân đội xác nhận sẽ không bãi bỏ chính quyền dân sự mà chỉ kiểm soát đất nước trong giai đoạn quá độ giữa những chính phủ dân sự, song nhiều người lo ngại rằng quân đội sẽ miễn cưỡng từ bỏ quyền lực. Quốc gia này có lịch sử lâu đời về sự cai trị của quân đội nên việc họ không muốn chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự thì cũng không phải là điều bất ngờ.
Thực tế, quân đội rất được lòng người dân, nhất là ở nông thôn. Trong khi nhiều người biểu tình vẫn tiếp tục cắm trại tại quảng trường trung tâm Tahrir ở thủ đô Cairo để yêu cầu chính quyền đáp ứng những đòi hỏi tiếp theo của họ, một bộ phận người biểu tình có vẻ đã thỏa mãn với việc quân đội nắm quyền điều hành đất nước.
Hội đồng quân sự tối cao vẫn đang thảo luận việc bãi nhiệm chính phủ của ông Mubarak, giải tán quốc hội và đặt ra thời hạn bầu cử. Người dân yêu cầu quân đội phải dỡ bỏ ngay tình trạng khẩn cấp, vốn được chính quyền của ông Mubarak sử dụng để cai trị với bàn tay sắt.
Tuy nhiên, quân đội cho biết họ sẽ chỉ dỡ bỏ khi điều kiện cho phép. Nếu luật này được duy trì thì về cơ bản, Ai Cập vẫn sẽ là một nhà nước cảnh sát. Nhiều người tin rằng, Ai Cập có thể phải mất ít nhất sáu tháng tới một năm để người dân và quân đội đặt nền móng cần thiết cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Từ nay đến lúc tổ chức bầu cử, Ai Cập sẽ phải tiến hành những thay đổi hiến pháp sâu sắc, liên quan các thủ tục và đối tượng bầu cử. Đây là những điều hoàn toàn mới mẻ đối với đất nước này.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là vai trò của tổ chức Anh em Hồi giáo trong chính phủ mới của Ai Cập. Phong trào đối lập lớn và có tổ chức nhất ở Ai Cập này có chủ trương tôn giáo và chính trị, và không muốn ký hiệp định hòa bình với Israel. Lực lượng này tuyên bố sẽ không ứng cử tổng thống và chỉ mong đợi có đại diện trong quốc hội. Nếu tổ chức Anh em Hồi giáo chi phối chính phủ thì chắc chắn tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ có nguy cơ bị đổ vỡ.
Mặc dù Tổng thống Mubarak, nhân vật trung tâm của cuộc khủng hoảng tại Ai Cập hiện nay, đã phải ra đi, giới quan sát cho rằng, sự ổn định tại đất nước này vẫn còn xa vời. Người dân Ai Cập lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong vòng 4 đến 8 tháng tới, chứ không phải thời gian trước mắt.
Vấn đề là ông Mubarak ra đi nhưng cơ cấu chính trị, kinh tế và chính quyền của ông vẫn ăn sâu vào xã hội Ai Cập. Ngay cả các cuộc bầu cử cũng chưa phải đã chấm dứt cuộc khủng hoảng tại đất nước có quá nhiều vấn đề này. Mặc dù bong bóng căng thẳng suốt ba tuần đã nổ, áp lực có thể lại bắt đầu khi một số người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình để đòi hỏi thêm.
Sau tuyên bố từ chức của ông Mubarak, chắc chắn chính trị và xã hội Ai Cập sẽ có những thay đổi căn bản. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Ai Cập hiện nay vẫn chưa đến hồi kết. Người dân đang chờ đợi các động thái của quân đội, hướng đi tiếp theo của quân đội như thế nào sẽ quyết định tình hình Ai Cập sắp tới. Hiện chưa thể biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo tại quốc gia đông dân nhất thế giới Ảrập này.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam