Theo NBC News, cuộc gặp giữa hai ông Obama và Putin diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kéo dài 90 phút, dù thời gian dự kiến ban đầu là một giờ. Các quan chức Mỹ cho hay, hai nhà lãnh đạo nhất trí tìm kiếm một giải pháp chính trị ở Syria và tổ chức các cuộc trao đổi giữa giới chức quân sự hai bên nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, Mỹ và Nga vẫn bất đồng về tương lai của Tổng thống Syria.
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về việc Nga tham gia chiến dịch quân sự chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. “Trước hết, chúng tôi đang xem xét sẽ làm gì để hỗ trợ những người ở chiến trường, đang chiến đấu chống IS. Đây là một cơ hội để làm việc chung với nhau”, ông Putin nói. Nhưng Tổng thống Nga loại trừ việc triển khai bộ binh Nga tại Syria. Trước đó, Nga và Mỹ bộc lộ xung khắc quan điểm tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ông Obama cáo buộc Tổng thống Assad như một bạo chúa, là thủ phạm chính đằng sau cuộc nội chiến 4 năm, khiến 200.000 người thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải bỏ lại nhà cửa, chạy trốn khỏi quê hương, ra nước ngoài. Ông Putin khẳng định với các nhà lãnh đạo thế giới rằng, ngoài giải pháp hợp tác với chính quyền và quân đội Syria, không có con đường nào khác trong nỗ lực đánh bại IS đang chiếm nhiều phần lãnh thổ của Syria và Iraq.
Mỹ sẵn sàng làm việc với Nga và Iran
Tổng thống Putin kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế chống khủng bố, trước hết là các quốc gia Hồi giáo làm thành viên. Liên minh này có thể sẽ là đối thủ cạnh tranh với liên minh chống khủng bố mà Mỹ thành lập để chống IS. “Mỹ sẵn sàng làm việc với bất cứ quốc gia nào, bao gồm cả Nga và Iran để giải quyết xung đột”, Tổng thống Obama tuyên bố. Nhưng ông Obama bác bỏ việc ủng hộ Tổng thống Assad - người bị buộc tội giội bom chùm dẫn đến vụ thảm sát trẻ em. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đều bác bỏ khả năng ủng hộ ông Assad tại vị.
Căng thẳng kéo dài, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ không nói chuyện với nhau hoặc trả lời câu hỏi của các phóng viên. Nhưng tới bữa ăn trưa do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tổ chức, hai người đàn ông quyền lực nhất thế giới đã bắt tay và chạm cốc nhau. Tổng thống Obama không kêu gọi lật đổ chính quyền ông Assad và đề nghị có thể có một quá trình “chuyển tiếp có điều khiển” quyền lực của ông Assad. Đây là một tín hiệu cho thấy, dù có sự thù ghét rõ ràng từ phía Nhà Trắng, Mỹ cũng sẵn sàng chấp nhận ông Assad tại vị trong một thời gian.
Tổng thống Putin cho rằng, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phối hợp với ông Assad, lực lượng vũ trang của chính quyền Syria và dân quân người Kurd để chống IS. “Chúng tôi cho rằng sẽ là một sai lầm rất lớn nếu từ chối hợp tác với chính phủ Syria, những người đang dũng cảm mặt đối mặt chống lại lực lượng khủng bố. Cuối cùng, chúng ta phải thừa nhận rằng, không có ai ngoài những lực lượng vũ trang của Tổng thống Assad và lực lượng dân quân người Kurd đang thực sự chiến đấu với IS và các tổ chức khủng bố khác ở Syria”, ông Putin nói.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc chủ nghĩa khủng bố hình thành từ những gì ông mô tả như việc Mỹ đã làm ở Iraq và Afghanistan. Nhà lãnh đạo Iran cũng cáo buộc Washington đã và đang ủng hộ Israel “chống lại các dân tộc bị áp bức như Palestine”. Ông Rouhani nói rằng, Iran sẵn sàng giúp đỡ nhằm mang lại dân chủ cho Syria và Yemen.
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, khủng hoảng Ukraine là kết quả của “một cuộc đảo chính quân sự được sắp xếp từ bên ngoài”. Theo ông, Washington đứng đằng sau vụ lật đổ tổng thống Ukraine năm 2014.