Trong một thông báo trên Telegram, Ủy ban cho biết các đối tượng bị điều tra là công tố viên ICC Karim Ahmad Khan, các thẩm phán Tomoko Akane, Rosario Salvatore Aitala và Sergio Gerardo Ugalde Godinez.
Công tố viên Khan ngày 22/2 đã gửi đề nghị tới ICC để xin lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Quyền trẻ em Nga Maria Lvova-Belova với cáo buộc “có liên quan đến việc trục xuất trái phép trẻ em khỏi Ukraine”. Đơn đề nghị của ông đã được các thẩm phán nói trên chấp thuận.
Ủy ban Điều tra Nga mô tả lệnh bắt của ICC là “bất hợp pháp, vì không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự”. Cơ quan này cũng viện dẫn Công ước Bảo vệ các nhà ngoại giao của Liên Hợp Quốc năm 1973, cho phép các nguyên thủ quốc gia được miễn trừ tuyệt đối khỏi quyền tài phán của nước ngoài.
Ủy ban coi hành động của Khan là một tội ác theo luật pháp Nga vì "cố ý buộc một người vô tội phải chịu trách nhiệm hình sự, và cáo buộc một cách bất hợp pháp rằng một người phạm tội nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng”. Ông Khan cũng bị cáo buộc chuẩn bị cho một cuộc công kích nhằm vào đại diện của một quốc gia “với ý định làm phức tạp thêm các mối quan hệ quốc tế”.
Ngoài Khan, ba thẩm phán bị cáo buộc công kích đại diện của một quốc gia và cố ý giam giữ trái pháp luật.
Điện Kremlin đã phản ứng trước lệnh bắt của ICC một cách bình tĩnh. Nga tuyên bố không công nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế và coi các quyết định của cơ quan này là vô hiệu.
Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập theo Quy chế Rome năm 1998, và không phải là một phần của Liên Hợp Quốc. Năm 2016, ông Putin đã ký sắc lệnh tuyên bố Nga sẽ không trở thành một bên của ICC.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzya nói: "Nga không phải là một bên của Quy chế Rome. ICC không có thẩm quyền đối với Nga và công dân Nga. Chúng tôi coi bất kỳ tài liệu nào xuất phát từ cơ quan này là bất hợp pháp và vô hiệu."