Hãng thông tấn Tass dẫn nguồn tin từ Tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga cho biết, xe tăng Leopard mà Đức và một số nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự định cung cấp cho Ukraine là một phương tiện hiện đại, có khả năng bảo vệ tốt. Tuy nhiên, chúng không được coi là "bất khả xâm phạm" bởi qua các cuộc thử nghiệm cũng như tác chiến trên chiến trường, phương tiện này được cho là lỗi thời và kém hiệu quả hơn so với vũ khí mà quân đội Nga sử dụng.
So với xe tăng Nga, Leopard thiếu lớp giáp chống phản ứng nổ, do đó chúng dễ bị các tổ hợp tên lửa Kornet của Nga phá huỷ. Ngoài ra, phương tiện chiến đấu này cũng có thể bị hạ gục bởi tên lửa Vikhr và Ataka được phóng từ máy bay chiến đấu hoặc đạn xuyên giáp Mango 125 mm.
Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet. |
Kornet (định danh của NATO là AT-14 Spriggan) do phòng thiết kế chế tạo thiết bị Shipunov phát triển, được thiết kế để tấn công xe tăng cùng các phương tiện bọc thép khác. Vũ khí có phạm vi hoạt động từ 100m - 5.500m vào ban ngày và 3.500m vào ban đêm.
Tên lửa Vikhr gắn trên trực thăng Ka-50. |
Vikhr-M là hệ thống tên lửa chống tăng điều khiển bằng laser, do tập đoàn Kalashnikov phát triển cho trực thăng tấn công Ka-50, Ka-52; cường kích Su-25. Tên lửa bay với vận tốc tối đa 610m/s và bắn trúng mục tiêu ở cự ly từ 800-10.000m. Vikhr có khả năng xuyên thủng lớp giáp phản ứng đồng nhất dày 750 mm.
Tên lửa Ataka. |
Ataka là tên lửa chống tăng dẫn đường bằng hệ thống điều khiển vô tuyến điện do cục thiết kế kỹ thuật cơ khí Kolomna chế tạo, nhằm tấn công xe thiết giáp, sinh lực địch, căn cứ phòng không và trực thăng của đối phương.
Ataka có tầm bắn tối đa dành cho các tổ hợp trên bộ từ 1.000m - 5.500m, phóng từ máy bay trực thăng lên đến 10.000m với tốc độ tối đa đạt 550 m/s.
Trong khi đó, đạn xuyên giáp cỡ nòng 125mm Mango được Nga thiết kế để tấn công xe tăng, hệ thống pháo tự hành và các mục tiêu bọc thép hạng nặng khác của đối phương.