Ít nhất một trong hai tàu này sẽ bắt đầu phục vụ trong hải quân từ năm 2017- kết thúc kế hoạch 10 năm trang bị vũ khí hiện hành. Theo MilitaryWatch, hải quân Nga đã lên kế hoạch biên chế ít nhất bốn tàu sân bay hạng nhẹ dựa trên thiết kế của lớp tàu Mistral của Pháp (Nga đã mua hụt hai tàu này sau khi đã ký hợp đồng nhưng phía Pháp hủy cam kết trước sức ép của Mỹ hồi năm 2014).
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga chưa đóng tàu sân bay mới nào. Ở thời Liên Xô, các cơ sở đóng tàu lớn nhất của họ chủ yếu được đặt ở Ukraine, một nước cộng hòa thành viên. Sau khi Liên Xô tan rã, các chuyên gia ở đây hoặc thất nghiệp hoặc được tuyển mộ làm việc cho chương trình tàu sân bay của Trung Quốc. Nga, trong khi đó, vẫn chưa đóng tàu chiến đấu nào quá 10.000 tấn và cho mãi đến gần đây mới chủ yếu nâng cấp các lớp tàu cũ và tập trung đóng tàu ngầm là chính. Việc đóng các khinh hạm lớp Admiral Gorshkov, có lượng choán nước 5.400 tấn và trang bị dày đặc vũ khí, là một trong các chương trình chứng tỏ sự chuyển hướng tập trung vào đội tàu mặt nước của Nga.
Hai tàu Nga dự định đóng ở Crimea được nói là có kích cỡ tương tự tàu Mistral của Pháp, có nghĩa là có lượng choán nước 22.000 tấn khi đầy tải và khoảng 16.000 tấn không tải.
Điều đáng kể là một số tin tức nói rằng dù Pháp hủy bỏ hợp đồng, Nga vẫn được tiếp cận hoàn toàn công nghệ tàu Mistral qua hợp đồng trang bị vũ khí cho các tàu Mistral của hải quân Ai Cập, kể cả việc trang bị các trực thăng tiến công Ka-52 cho loại tàu này.
Về phần mình, Nga đã phát triển một loại tiêm kích mới được thiết kế đặc biệt để hoạt động trên tàu sân bay hạng nhẹ. Đây là phiên bản hậu duệ của dòng tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng Yak-141, cho phép hoạt động trên các tàu sân bay cỡ nhỏ.
Hải quân Nga cũng được cho là đang cân nhắc khả năng đóng các tàu sân bay cỡ lớn hơn, lượng choán nước tầm 35.000 tấn, triển khai các tiêm kích thiết kế chuyên biệt để hạ cất cánh trên tàu sân bay, tàu đổ bộ tấn công, giống như việc Trung Quốc mới đây hạ thủy lớp tàu đổ bộ Type 075. Điểm khác biệt là Nga đã có nền tảng tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng từ chiếc Yak-141 còn cho đến nay chưa thấy Trung Quốc nói đến chuyện phát triển tiêm kích có tính năng tương tự F-35C của Mỹ.