> Nga thử nghiệm máy bay chiến đấu trên boong tàu
> Nga thử nghiệm Radar ‘xuyên tường’
Thỏa thuận “khủng” với Trung Quốc
Ngày 22/10, ông Medvedev và người đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường chứng kiến lễ ký kết 21 văn kiện hợp tác song phương. Theo thỏa thuận mới về hợp tác năng lượng (trị giá 85 tỷ USD), mỗi năm Nga sẽ cung cấp thêm 10 triệu tấn dầu thô cho Trung Quốc trong vòng 10 năm tới.
Theo một thỏa thuận ký tháng 3, hằng năm Nga sẽ cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc kể từ 2018. Con số này được kỳ vọng sẽ nâng lên 60 triệu m3 trong những năm tiếp theo. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 276 triệu tấn dầu thô và Nga xếp thứ 4 trong danh sách nguồn cung.
Ngoài tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hóa học, dược, ô tô, viễn thông, cơ sở hạ tầng, phân bón và năng lượng, Nga và Ấn Độ cũng nhất trí thành lập nhóm nghiên cứu khả năng thiết lập tuyến đường ống vận chuyển dầu thô trực tiếp từ Nga sang Ấn Độ. |
Trung Quốc và Nga nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, công nghệ, năng lượng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, văn hóa, thúc đẩy phối hợp chiến lược trong các công việc toàn cầu cũng như khu vực, đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Gần đây, Trung Quốc và Nga còn tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng. Quân đội hai nước thường xuyên tập trận chung với nhau hoặc trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Mới đây, Nga đồng ý bán cho Trung Quốc 24 máy bay tiêm kích Su-35 tối tân cùng một số tàu ngầm lớp Lada...
Tần suất gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo hai nước cũng ngày một tăng. Kể từ đầu năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tới 5 lần và ông Tập cũng đã gặp ông Medvedev 5 lần kể từ năm 2008.
Theo các nhà phân tích, bắt tay Trung Quốc, Nga vừa theo đuổi những tính toán chiến lược, vừa không muốn lỡ chuyến tàu kinh tế xán lạn của cường quốc đang lên.
Hạt nhân và mẫu hạm mới cho Ấn Độ
Khăng khít hơn với Trung Quốc, nhưng Nga vẫn hết sức coi trọng đối tác chiến lược truyền thống Ấn Độ. Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg mới đây, Tổng thống Nga Putin công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga bằng cách hướng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một số chuyên gia cho rằng, ông Putin đưa ra chính sách này nhằm đối phó chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, mặt khác đề phòng sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể đe dọa an ninh nước Nga. Mục tiêu là khẳng định vị thế của Nga trong một trật tự thế giới mới ở châu Á, nơi được dự báo là sân khấu của các cường quốc trong thế kỷ 21.
Nga thừa hưởng mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ từ thời Liên Xô cũ. Ngày nay, Nga không chỉ xem Ấn Độ là thị trường tiềm năng mà còn là đồng minh quan trọng ở châu Á. Dù Ấn Độ đang mở rộng hợp tác với các quốc gia phương Tây, song Nga vẫn là đối tác chiến lược tin cậy và nguồn cung cấp vũ khí cực kỳ quan trọng của Ấn Độ.
Tại quốc gia Nam Á này, người ta thường nói vui rằng, tên Tổng thống Nga Putin được ghép bằng các chữ viết tắt tiếng Anh, gồm máy bay (plane), uranium, xe tăng (tank), cơ sở hạ tầng (infrastructure) và năng lượng hạt nhân (nuclear). Đây là những thế mạnh của Nga mà Ấn Độ rất cần.
Trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Manmohan Singh từ ngày 20 đến 21/10, hai nước nhất trí tiếp tục xây 2-8 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Kundankulam ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ. Ông Putin thông báo lộ trình được Nga và Ấn Độ thống nhất là sẽ xây dựng tổng cộng 15 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ.
Nga và Ấn Độ cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hải quân và hệ thống vũ khí. Hai quốc gia đánh giá cao những thành tựu hợp tác đã đạt được trong lĩnh vực quân sự như chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 5, máy bay vận tải đa năng, tên lửa siêu thanh BraMos, tiêm kích Su-30MKI, xe tăng T-90S... Tổng thống Putin cho biết, Nga đã hoàn tất hiện đại hóa tàu sân bay Vikramaditya, sẵn sàng bàn giao cho hải quân Ấn Độ.
Đặng Vương Hạnh
Tổng hợp